Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, từ một cơ duyên tình cờ, cô giáo của trường Ngôn ngữ quốc gia Moskva (MGLU) Elena Zubsova đã mời được nhà thiết kế Nguyễn Thị Minh Hạnh tham gia buổi giới thiệu cho các sinh viên Nga, các thầy cô giáo dạy tiếng Việt và những người quan tâm chiếc áo, vốn được xem là tinh hoa văn hóa của Việt Nam này.
Bộ sưu tập đặc biệt lần này của nhà thiết kế không thực hiện theo chủ đề hay chất liệu, mà có nhiệm vụ tái hiện lại toàn bộ quá trình khởi đầu từ đầu thế kỷ 19 cho đến ngày nay. Từ triết lý phương Đông được tuân thủ trong hoa văn, hàng cúc, chiếc áo dài Việt Nam đã được cải tiến nhiều lần, trong đó có cả chịu tác động của thời đại, và do đó hình thức, chất liệu, hoa văn v.v. của chiếc áo dài đem đến cho hậu thế hình hài của các thời kỳ lịch sử, những thăng trầm, những xu thế phát triển. Bên cạnh đó, khát vọng của người mặc cũng có thể được “đọc” qua những tà áo, nói như nhà thiết kế Minh Hạnh tại buổi trình diễn: “có thể dễ dàng nhận diện bản sắc Việt qua chiếc áo dài”.
Qua cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại LB Nga, chiếc áo dài đã hiện diện từ lâu trên xứ sở Bạch Dương. Song nói như cô người mẫu Liza, trong nghề nghiệp cũng như trong đời sống cô đã gặp thấp thoáng hình bóng chiếc áo dài trong nhiều loại trang phục, ngày hôm nay khi được nghe giới thiệu và tận mắt nhìn thấy quãng đường biến hóa thăng trầm của áo dài thì với cô Liza áo dài đã không còn là một trang phục thông thường.
Suy nghĩ đó hẳn sẽ làm hài lòng nhà thiết kế đã dày công tâm huyết với buổi trình diễn “đặc biệt” này, vì chị Minh Hạnh có ước nguyện cần làm cho áo dài lan tỏa nhiều hơn, để vẻ đẹp Việt Nam đến với bạn bè năm châu qua chiếc áo truyền thống, chiếc áo truyền thống đó vẫn có giá trị, có sức sống trong đời sống hiện đại ngày hôm nay.
Qua hình ảnh trực quan những nhà Việt Nam học tương lai lần đầu được biết rằng chiếc áo dài thời xưa mang trong mình triết lý sống của người Việt: khí phách người quân tử, ảnh hưởng của thuyết Ngũ luân, sự hài hòa âm dương trong màu sắc áo để mong muốn một cuộc sống cân bằng, đề cao Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Sau đó khi chiếc áo dài trở nên bình dân hơn, nó đã hiện diện trong mọi bức tranh về đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Theo bước chiếc áo dài là câu chuyện về nếp sống nơi phố thị hay nông thôn, thói quen trang phục, các tập tục truyền thống, trình độ dân trí thậm chí cả tình hình kinh tế thời đó. Từng câu chuyện của nhà thiết kế được minh họa bằng lượt “diễn” của các “người mẫu” Nga, qua phong thái và thần thái cần có mỗi khi mặc lên mình chiếc áo dài.
Những nữ sinh viên có thể đã biết đến áo dài trước đó, song có lẽ lần đầu được chạm tay vào bằng chứng lịch sử của nền văn hóa bốn nghìn năm văn vật, được nghe và cảm nhận bài học nghiên cứu và phát triển văn hóa, sức nặng trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc trong thế giới phát triển quá nhanh chóng, trách nhiệm xây dựng những hình tượng đúng đắn để bảo tồn văn hóa dân tộc.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, giảng viên tiếng Việt Elena Zubsova cho biết, chị tổ chức giờ học này vì muốn khơi gợi sự chú ý đến lịch sử cũng như những tinh tế trong chiếc áo dài mà còn rất ít người tại Nga biết đến, áo dài là thành tố quan trọng của văn hóa vì vậy điều đó đặc biệt hữu ích đối với các sinh viên học tiếng Việt của chị.
Bản thân chị rất tự hào khi chiếc áo dài Việt Nam hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng phương Đông Moskva. Năm 2019 tới đây sẽ là nắm chéo Nga-Việt (năm Việt Nam tại Nga và năm Nga tại Việt Nam), chị hy vọng sẽ có nhiều hoạt động với chiếc áo dài được tổ chức tiếp tại Nga.
Một chia sẻ nữa từ nhà thiết kế Minh Hạnh khiến không ít khán giả ngẫm nghĩ, đó là cách thức tốt nhất để nỗ lực bảo tồn nền tảng văn hóa, bảo tồn bản sắc, cũng như những giá trị lịch sử của chiếc áo dài là đưa áo dài trở thành trang phục thường ngày, hiện diện mọi nơi mọi lúc, thâm nhập vào đời sống không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới.