Gắn biển di tích lịch sử Việt Nam tại ngoại ô Paris

Sáng 13/10, Tòa thị chính thành phố Verrières-le-Buisson, ngoại ô Thủ đô Paris, Pháp đã tổ chức lễ gắn biển di tích lịch sử cho ngôi nhà nơi đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam từng lưu trú.

Ngôi nhà này do Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó và sau là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nguyễn Thị Bình dẫn đầu, từng lưu trú từ năm 1968 đến năm 1973 để tham gia đàm phán cho việc ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973. 

 

Buổi lễ gắn biển cho ngôi nhà nơi đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam từng lưu trú.


Phát biểu tại buổi lễ, ông Thomas Joly - Phó Thị trưởng thứ nhất phụ trách vấn đề môi trường và phát triển bền vững vùng Thượng Hauts-de-Bièvres, thuộc thành phố Verrières-le-Buisson - nhấn mạnh thành phố Verrières-le-Buisson ngày nay tự hào đã đóng góp vào việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam và hôm nay vui mừng gắn tấm biển kỷ niệm này, nó gợi nhớ một thời kỳ lịch sử của hai nước.

 

Về phần mình ông Đinh Toàn Thắng, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho rằng đây là sự kiện có “ý nghĩa quan trọng” trong lịch sử phát triển mối quan hệ hữu nghị Pháp-Việt. Ngôi nhà số nhà 49, nay là số nhà 17 phố Cambacérès, Verrières-le-Buisson mãi mãi là nơi lưu giữ những kỷ niệm không thể nào quên đối với nhân dân Việt Nam.

 

Nhân dịp này, một cuộc triển lãm ảnh màu và đen trắng, cùng những bài báo viết về Việt Nam thời gian đó, đã được Hiệp hội về lịch sử thành Verrières-le-Buisson phối hợp Làng hữu nghị Vân Canh tổ chức tại quận Colombier của thành phố này.


Trao đổi với phóng viên phóng viên TTXVN tại Pháp, Dominique Grissolange, cố vấn tòa thị chính thành phố Verrières-le-Buisson, thành viên Đảng Cộng sản Pháp, rất cảm động bày tỏ tình cảm khi được xem lại những hình ảnh trưng bày tại triển lãm. Ông cho rằng đây là một “sự kiện quan trọng” của thành phố, nó giúp ông nhớ lại một thời kỳ đầy khó khăn, với phong trào sôi nổi “đoàn kết với nhân dân Việt Nam”. Đối với ông, đây là những hình ảnh đã làm ông “vô cùng xúc động”, nhất là khi được nhìn thấy bà Nguyễn Thị Bình, nó khiến ông nhớ đến cuộc biểu tình tuần hành mà ông cùng với rất nhiều sinh viên Pháp đã từng tham gia năm 1967 để ủng hộ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và bày tỏ mong muốn vì hòa bình, khi đó ông mới ở tuổi 17.

 

 

Tin, ảnh: Lê Hà, Nguyễn Tuyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN