Có lẽ những thông tin ít ỏi về việc đưa 231 công dân Việt Nam từ Uzbekistan về nước an toàn chưa thể nói lên hết tính nhân văn trong chính sách đúng đắn, nỗ lực đưa những người Việt Nam còn bị mắc kẹt ở nước ngoài do đại dịch COVID-19 về nước của Đảng và Chính phủ ta. Nếu biết được hoàn cảnh của những người Việt Nam này ở Uzbekistan, chúng ta mới có thể hiểu tâm trạng mừng vui đến mức nào của họ khi máy bay chạm bánh xuống đất mẹ yêu thương.
Trong số này có 225 công dân Việt Nam làm việc tại nhà máy khí hóa lỏng ở huyện Nishon thuộc tỉnh Qashqadaryo, cách thủ đô Tashkent khoảng 6h đi ô tô có nhiều chi tiết đặc biệt.
Thứ nhất máy bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài đúng vào ngày 2/9 kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam. Thứ hai đây có lẽ là lần đầu tiên máy bay một hãng hàng không nước ngoài - Uzbekistan Airways, chứ không phải các hãng hàng không trong nước thực hiện chuyến bay “giải cứu” người Việt bị mắc kẹt do COVID-19; và điều quan trọng nhất, chuyến bay đã giúp giải tỏa tâm lý lo sợ suốt nhiều tháng, khi hiểm họa virus SASR-CoV-2 đè nặng lên những người Việt đi làm theo hợp đồng cung ứng lao động giữa công ty Công ty TNHH Tư vấn và Nghề nghiệp (CEC) và công ty China Petroleum Jili Chemical Engineering and Construction Co., Ltd (JCC) này.
Theo lời kể của anh Dương Ngọc Hải, sinh năm 1983, quê Nghệ An, là phiên dịch kiêm đốc công trong nhóm công nhân Việt Nam, họ sang Uzbekistan đầu năm 2020 theo 3 đợt. Đợt 1 sang ngày 26 tháng chạp âm lịch; đợt 2 sang ngày mùng 6 Tết âm lịch và đợt 3 sang ngày 7/2. Tuy nhiên thời gian làm việc chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 đã tràn đến khu ở tập trung của họ. Ngày 7/7, bốn người tại khu nhà tập thể mắc COVID-19 khiến cho các công nhân người Việt hoang mang lo sợ.
Trong tâm trạng bất an, họ làm đơn kêu cứu tập thể gửi đến Thủ tướng chính phủ; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh, và Xã hội; Đại sứ quán Việt nam tại LB Nga, kiêm nhiệm Uzbekistan. Kết quả xét nghiệm ngày 16/7, công bố ngày 20/7, cho thấy 92 công nhân người Việt nhiễm COVID-19. Lúc này, tinh thần của các công nhân người Việt rõ ràng rất căng thẳng vì họ sống kiểu tập thể trong cùng một khu nhà nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Trong thời gian này 78 kỹ thuật viên của nhà máy cũng được xác định dương tính với COVID-19 nên công trường xây dựng nhà máy phải ngừng hoạt động hoàn toàn. Nhà máy đã lập ra một khu cách li và chữa trị cho những người nhiễm virus song động thái này không khiến các công nhân Việt Nam dịu đi những lo lắng.
Theo anh Hải, tổng cộng có khoảng 160-170 công nhân người Việt bị nhiễm hoặc có biểu hiện nhiễm virus SARS-CoV-2. Một hoặc hai ngày sau khi có kết quả xét nghiệm cho thấy 92 công nhân người Việt dương tính với COVID-19, Đại sứ quán Việt nam tại LB Nga đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Uzbekistan đề nghị hỗ trợ.
Theo lời kể của anh Hải, sau khi có công hàm của Đại sứ quán, các điều kiện ăn ở, đặc biệt là cách li, chữa trị bệnh nhân nhiễm bệnh đã được cải thiện phần nào. Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cũng thường xuyên liên lạc, kịp thời động viên, ổn định tinh thần cho các công dân Việt Nam. Đại sứ quán cũng tích cực làm việc với các cơ quan chức năng Uzbekistan, các công ty sử dụng và đưa lao động sang Uzbekistan, hãng hàng không Uzbekistan Airways để tổ chức, xúc tiến việc đưa các công dân hồi hương.
Đến trước thời điểm lên máy bay trở về tổ quốc, cả 225 công nhân, trong đó một nửa là người Nghệ An, phần còn lại là người Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Nam Định, Đắc Lắc…, đều đã 2 lần xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Cũng theo lời kể của anh Hải, sau khi hạ cánh ở sân bay Nội Bài và được đưa về cách li tập trung tại Trường sĩ quan lục quân I ở Sơn Tây, tất cả các công nhân đều “vui lắm” vì đã an toàn và sắp được đoàn tụ với gia đình. Anh Hải cho biết các công nhân đã đăng một số status trên Facebook bày tỏ vui mừng được về với đất mẹ và “người thân, bạn bè họ ai cũng chúc mừng vì đã về được việt Nam”.
Đánh giá về điều kiện sinh hoạt cách li tại Việt Nam, anh Hải cho biết, “ở đây điều kiện cách li tốt lắm chú ạ. Ở một phòng từ 6, 7 người. Mọi người nói vui là ở đây đến Tết cũng được”.
Có lẽ, giờ đây, khi đã ở quê nhà và hoàn toàn yên tâm về sức khỏe của mình, các công nhân Việt Nam sang lao động ở Uzbekistan sẽ vơi đi một gánh nặng lớn. Họ hiểu rõ hơn một điều, Đảng và Chính phủ không bỏ quên họ. Đất nước sẽ nỗ lực để “không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch” như tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.