Trong khuôn khổ dự án nghiên cứu độc lập, được Quỹ Vì phụ nữ trong Khoa học L’Oréal-UNESCO tài trợ, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh đã chế tạo thành công một loại vật liệu chống cháy có thể dùng để phủ lên tường các ngôi nhà, tạo ra lớp vỏ bảo vệ bên ngoài cũng như lấp kín các khoảng trống trên bề ngoài ngôi nhà.
Không chỉ có tác dụng chống cháy và tăng hiệu quả cách nhiệt cho các ngôi nhà, chất phủ này còn mang tính bền vững đối với môi trường, do được làm từ chất thải công nghiệp và xây dựng. Dự kiến loại vật liệu mới này sẽ có mặt trên thị trường Australia trong vòng khoảng 1 năm tới.
Chia sẻ về ý tưởng đằng sau dự án nghiên cứu này, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh cho biết Australia chịu tác động lớn trước biến đổi khí hậu, với tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đám cháy rừng ngày càng tăng, gây ra mối đe dọa lớn đối với cuộc sống, môi trường và nhà cửa của người dân. Tuy có mức độ tàn phá nặng nề, các đám cháy rừng thường di chuyển nhanh, theo đó hầu hết các trường hợp những công trình nơi đám cháy lan tới chỉ phải chống chọi với sức nóng và ngọn lửa trong một thời gian ngắn. Đây chính là lý do giúp nữ Tiến sĩ nảy sinh ý tưởng chế tạo một lớp phủ bổ sung lên các công trình xây dựng có thể giúp kéo dài thời gian chống chịu cho đến khi đám cháy đi qua.
Tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh cho biết thêm để bảo đảm độ an toàn chống cháy cho các ngôi nhà, điều quan trọng là phải xem xét mức độ an toàn của từng loại vật liệu được sử dụng và khả năng bắt lửa của cả tòa nhà khi kết hợp nhiều loại vật liệu trong những kết cấu khác nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, 38 tuổi, sang Australia làm nghiên cứu sinh chuyên ngành xây dựng dân dụng tại Đại học Melbourne năm 2011, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, Hà Nội. Hiện Tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh là trưởng nhóm nghiên cứu về vật liệu chống cháy và hệ thống xây dựng tiên tiến tại Đại học RMIT.