Về người lính đặc công được tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc

Liên tục 3 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của đơn vị, Binh chủng và gần đây nhất tham gia đội hình chiến đấu sang Australia giao lưu huấn luyện quân sự và biểu diễn võ thuật được nước bạn đánh giá cao, Trung úy Nguyễn Bá Hạnh, Tổ chiến đấu viên, Đội Chống khủng bố, Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công là một trong 70 gương mặt được tôn vinh tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc sắp tới.

Sức bền là tài sản


Chúng tôi đến Lữ đoàn Đặc công 113 một sớm nắng hè gay gắt. Dưới sân tập, Trung úy Nguyễn Bá Hạnh đang hướng dẫn đồng đội những đường đao của môn võ cổ truyền. Khác hẳn với hình dung của chúng tôi về một chiến đấu viên đội chống khủng bố là dáng người cao to, lừng lững thì trung úy Nguyễn Bá Hạnh có dáng người tầm thước, nước da bánh mật, giọng nói chứa đựng sự quyết liệt, dứt khoát.

Trung úy Nguyễn Bá Hạnh biểu diễn võ thuật.

Nhưng như lời giới thiệu của Đại úy Hoàng Quốc Thắng, Chính trị viên đội chống khủng bố Lữ đoàn Đặc công 113 thì những vinh quang mà Trung úy Nguyễn Bá Hạnh mang về cho lữ đoàn, Binh chủng lại không hề tầm thước. “Trung úy Nguyễn Bá Hạnh là một võ sư bậc 3 môn võ cổ truyền. Ba năm liên tục (2015, 2016, 2017), Trung úy Nguyễn Bá Hạnh có sáng kiến cải tiến mô hình học cụ của đơn vị, được Hội đồng khoa học Lữ đoàn đánh giá cao và được công nhận 2 cải tiến loại B và 1 sáng kiến loại A. Trong đó, sáng kiến cải tiến tập trung vào các nội dung nâng cao chất lượng huấn luyện và luyện tập võ thuật trong đơn vị. Đặc biệt, sáng kiến “Xe chở đạn đa năng” của đồng chí Hạnh là sáng kiến có chất lượng cao. Vì lực lượng chống khủng bố yêu cầu khá nhanh và dụng cụ mang theo rất nhiều. Xe chở đạn đa năng của đồng chí đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ấy”.


Trung úy Nguyễn Bá Hạnh thường xuyên tham gia các hội thi, hội thao do Binh chủng tổ chức. Trong đó, Hội thao Đặc công toàn quân năm 2016, Trung uý Nguyễn Bá Hạnh trên cương vị là huấn luyện viên võ cũng như là vận động viên các nội dung đã góp phần cùng Đội hội thao của Lữ đoàn đoạt giải nhất toàn đoàn. Cá nhân anh cũng đoạt giải nhì toàn năng. Năm 2017, Trung úy Nguyễn Bá Hạnh cùng với phái đoàn của Binh chủng tham gia trao đổi giao lưu học hỏi về kỹ chiến thuật của lực lượng tác chiến đặc biệt các nước ở Australia để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về trình độ và khả năng của Quân đội nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.


“Lực lượng tác chiến đặc biệt Quân đội Hoàng gia Úc là một lực lượng tinh nhuệ. Lực lượng này đã từng tham chiến ở Afghanistan, Iraq… Khi đồng chí Hạnh và đồng đồng đội tham gia huấn luyện đã tạo được ấn tượng với binh sĩ, sĩ quan nước bạn. Ấn tượng đó chính là trình độ võ thuật vượt trội, sức khỏe bền bỉ dẻo dai của một chiến đấu viên chống khủng bố không hề thua kém đội hình nước bạn”, Chính trị viên Hoàng Quốc Thắng cho biết.

Trung úy Nguyễn Bá Hạnh đang hướng dẫn đồng đội những đường đao của môn võ cổ truyền.

Chia sẻ về đợt diễn tập tầm cỡ quốc tế này Trung úy Nguyễn Bá Hạnh vẫn luôn khiêm tốn đặt mình trong tập thể, sự kiện: “Tôi cũng như đồng đội tham gia đợt huấn luyện tại Australia luôn cảm thấy vinh dự và tự hào. Nhưng đi cùng với đó là trách nhiệm, nỗ lực thể hiện màu cờ sắc áo của Quân đội nhân Việt Nam. Thực tế cho thấy, đội hình Quân đội Hoàng gia Úc với ngoại hình chiếm ưu thế, đã từng tham chiến ở các chiến trường khốc liệt. Tuy nhiên, đội hình của Việt Nam cũng có ưu thế là luôn khẳng định sự bền bỉ, nhanh nhẹn và nhạy cảm trước các tình huống. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn học hỏi về kỹ năng thực chiến chống khủng bố của nước bạn, về kỹ năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt… kịp thời báo cáo với đơn vị để học hỏi, rèn luyện”.


Từ đam mê võ thuật đến lính đặc công


Trung úy Nguyễn Bá Hạnh là người con của quê hương Kinh Bắc. Anh cho biết, từ nhỏ đã đam mê võ thuật và khi trưởng thành, tháng 2/2005, anh đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ vào Lữ đoàn Đặc công 113. Tiếp đó, anh được học tổ trưởng đặc công tại Trường sĩ quan Đặc công. Khi ra trường Nguyễn Bá Hạnh tiếp tục công tác tại Lữ đoàn Đặc công 113.

Trung úy Nguyễn Bá Hạnh cùng đồng đội biểu diễn võ thuật.

“Năm 2008, tôi được tuyển chọn làm chiến đấu viên đội đặc công 1 thuộc liên đội 27. Sau quá trình rèn luyện với thành tích tốt tôi được chuyển sang tổ chiến đấu viên tổ chống khủng bố. Để trở thành một chiến đấu viên, tôi đã trải qua nhiều khó khăn trong quá trình khổ luyện võ thuật”, Trung úy Nguyễn Bá Hạnh chia sẻ.


Bởi đối với mỗi chiến đấu viên đội chống khủng bố thì nhiệm vụ trình diễn võ thuật cho các phái đoàn quốc tế và trong nước thăm quan thể hiện được: mỗi màn trình diễn võ thuật, mỗi đường quyền, động tác võ phải thể hiện sứ mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, trình độ võ thuật của bộ đội Đặc công nói riêng.


Vì thế, Trung úy Nguyễn Bá Hạnh cho biết: “Tôi đã luôn trăn trở làm thế nào mỗi lần trình diễn đều có những bài quyền, thế võ đặc sắc, mạnh mẽ. Ngoài những bài quyền truyền thống mà quân đội trang bị bản thân, tôi tích cực tìm tòi nghiên cứu các loại hình võ thuật của các môn phái trong và ngoài nước. Từ đó rút ra những điểm mạnh, điểm yếu của từng loại hình võ thuật để sáng tạo ra những động tác võ linh hoạt, uyển chuyển nhưng mạnh mẽ và cuốn hút người xem trong quá trình trình diễn”.

Những giọt mồ hôi chảy dài trên mặt Trung úy Nguyễn Bá Hạnh sau buổi luyện tập.

Giỏi võ thuật là điều kiện cơ bản nhưng để trở thành một chiến đấu viên của đội chống khủng bố là đòi hỏi vô cùng khắc nghiệt. Đại úy Hoàng Quốc Thắng, Chính trị viên Lữ đoàn Đặc công 113 cho biết: “Lực lượng chiến đấu viên của đội chống khủng bố là lực lượng tinh nhuệ của tinh nhuệ với yêu cầu rất cao về sức khỏe, tâm lý, trình độ tư tưởng của bản thân. Mỗi chiến đấu viên phải khắc phục được nỗi sợ, chiến thắng được chính mình trong thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ như việc nhảy dù trên không, khi rời khỏi máy bay từ độ cao 1km là không hề dễ dàng. Hay nhiệm vụ đổ treo nhà cao tầng với độ cao từ 10 -15 m. Hoặc đứng trên bờ tường tòa nhà tụt xuống mà chỉ bám vào đây cáp mỏng manh. Do đó, với mỗi chiến đấu viên chống khủng bố của lực lượng đặc công phải giỏi võ thuật, giỏi bắn súng, có khả năng cơ động mọi địa hình thời tiết ngày đêm. Họ phải có khả năng sinh tồn trong khu vực hoang dã, sử dụng vũ khí, khí tài tiên tiến… Mỗi chiến đấu viên phải thành thạo các kỹ chiến thuật đặc công nói chung và kỹ chiến thuật chống khủng bố nói riêng. Kết hợp phải thuần thục kỹ thuật đổ bộ đường không”.



“Nói như vậy để thấy những nỗ lực của đồng chí Nguyễn Bá Hạnh không những đáp ứng được các tiêu chí khắc nghiệt này mà còn là cá nhân tiêu biểu, mang vinh quang về Lữ đoàn nói riêng và Binh chủng Đặc công nói chung”, Đại úy Hoàng Quốc Thắng khẳng định.


Vừa vượt qua những khó khăn trong binh nghiệp, Trung úy Nguyễn Bá Hạnh cũng chia sẻ về hậu phương, về những hậu thuẫn của đơn vị đã giúp anh có những thành công như hôm nay. Trung úy Nguyễn Bá Hạnh tâm sự: “Tôi lập gia đình đã được 8 năm và có hai con. Hai lần vợ sinh con, tôi đều không có mặt bởi những đợt diễn tập với chiến đấu viên diễn ra có khi từ 2 – 3 tháng liên tục. Thời gian đầu của hôn nhân, vợ liên tục thấy tôi đi dài ngày, thậm chí những đợt bị gãy xương quai xanh vô cùng nguy hiểm, khiến cô ấy buông lời phàn nàn. Có vài lúc nản lòng tôi định chuyển hướng. Tuy nhiên, tôi được sự động viên của đơn vị, thường xuyên tạo điều kiện về thăm nhà chia sẻ khó khăn với vợ con. Một thời gian sau, tôi đã củng cố lại tinh thần, sức khỏe để trở lại công việc. Vợ tôi trước hình dung công việc của bộ đội “nhàn như ở huyện đội” thì nay đã hiểu trách nhiệm và vinh dự đặc biệt của người lính đặc công”.



Đến giờ, trải qua 13 năm trong nghiệp binh, nghề võ, Trung úy Nguyễn Bá Hạnh trở thành tổ trưởng của một đội chống khủng bố - lực lượng tinh nhuệ của tinh nhuệ trong quân đội. Để có những thành quả ấy, Trung úy Nguyễn Bá Hạnh vẫn luôn khẳng định về sự bền bỉ, chăm chỉ của bản thân và hậu thuẫn của đồng đội, chỉ huy đơn vị để anh vừa yên tâm làm nhiệm vụ lại có một hậu phương vững chắc như hôm nay.


Trung úy Nguyễn Bá Hạnh là một trong những tấm gương tiêu biểu của Bộ Quốc phòng trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xứng đáng là tấm tương tiêu biểu mà Bộ Quốc phòng đề nghị trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.


Lê Vân - Lê Phú/Báo Tin tức
Người góp phần làm nên 'tiếng thơm' cho hạt gạo Sóc Trăng
Người góp phần làm nên 'tiếng thơm' cho hạt gạo Sóc Trăng

Gần 40 năm cống hiến cho ngành nông nghiệp, sự nghiệp của kỹ sư Hồ Quang Cua (sinh năm 1953) gắn liền với hạt gạo Sóc Trăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN