Lạc quan đối đầu với dịch bệnh
Anh Mai Anh Đức (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) biết mình mắc COVID-19 ngày 5/8, khi đang được cách ly tập trung. Gia đình anh có anh và con trai có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Ngày đầu tiên chuyển đến điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, anh không khỏi lo lắng cho bản thân mình và con trai trước dịch bệnh nguy hiểm này. Song, khi được các y, bác sĩ chăm sóc, chữa trị, anh đã thấy yên tâm và nhanh chóng lấy lại tinh thần và thái độ lạc quan trước bệnh tật.
Nhớ lại những ngày nằm viện, anh Đức xúc động: “Điều làm tôi ấn tượng nhất là sự nhiệt tình, chu đáo và trách nhiệm của tất cả đội ngũ y, bác sĩ. Tuy họ đều mặc bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, không hề biết mặt ai, nhưng tôi nhớ có rất nhiều giọng nói của các bác sĩ đến từ khắp cả nước: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hải Phòng, tỉnh Bình Định... Chính thái độ làm việc chuyên nghiệp, không quản ngại khó khăn, vất vả của các bác sĩ đã giúp các bệnh nhân chúng tôi cảm thấy yên tâm khi chữa trị ở đây”.
Khu vực anh Đức ở là khu dành cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không có triệu chứng. Tuy nhiên vào ngày thứ 2, anh Đức cảm thấy nhức đầu và có dấu hiệu sốt nhẹ. Ngay sau khi báo với bác sĩ trực, anh đã được thăm khám, theo dõi, cho uống thuốc, thậm chí nửa đêm bác sĩ vẫn tiếp tục đo nhiệt độ và hỏi han tình hình của anh, cho đến khi hết sốt hẳn.
Một điều nữa khiến anh Đức rất xúc động là mọi thứ bệnh nhân cần đều được các y, bác sĩ chuẩn bị chu đáo từ các vật dụng cá nhân như bàn chải, khăn mặt đến các bữa ăn đều rất ngon lành, thịnh soạn. Cảm nhận được tấm chân tình quý giá của đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên, cũng như tất cả sự chung tay của người dân trên cả nước, anh Mai Anh Đức đã rất tự tin, lạc quan chiến đấu với bệnh tật.
Ngoài giữ gìn chế độ sinh hoạt lành mạnh, siêng năng tập thể dục nâng cao sức đề kháng, anh Đức còn hướng dẫn các bệnh nhân khác tập thể dục trong phòng, tranh thủ tâm sự động viên những bệnh nhân lo lắng. Đồng thời, anh Đức đã viết những dòng chia sẻ “Nhật ký chống COVID-19” trên trang mạng cá nhân để giúp cộng đồng có thêm những hiểu biết về phòng, tránh COVID-19 và bảo vệ bản thân. Có lần, mạng xã hội xôn xao bức ảnh về một suất ăn nghèo nàn, nói rằng đó là suất ăn của bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Sau đó, anh Đức đã chụp lại chính những bữa cơm thơm ngon, bổ dưỡng mà mình được ăn hàng ngày để đưa lên mạng, chứng minh rằng bức ảnh kìa chỉ là tin đồn thất thiệt.
“Qua đây, tôi muốn chia sẻ rằng, mọi người cần bình tĩnh và theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống để đề phòng dịch bệnh cho bản thân và gia đình. Hãy nhìn nhận một cách tích cực, không nên nghe những tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Tôi tin tưởng rằng thành phố và cả nước sẽ vượt qua gian khổ tiến đến thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh này”, anh Đức chia sẻ.
Sau 9 ngày tích cực điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, cả anh Đức và con trai đều có kết quả xét nghiệm âm tính 4 lần với virus SARS-CoV-2 và được xuất viện. Trong nỗi vui mừng, anh vẫn ấp ủ dự định tri ân công ơn của những người đang hoạt động trên tuyến đầu chống dịch.
Cung cấp nước khử khuẩn miễn phí
Sau khi xuất viện, dù vẫn phải tự cách ly nghiêm ngặt tại nhà trong vòng 14 ngày, nhưng anh Mai Anh Đức đã bắt tay ngay vào kế hoạch mới: Sản xuất và cung cấp nước sát khuẩn miễn phí cho các cơ sở chống dịch trong thành phố. Anh đặt tên kế hoạch này là Dự án 687, chính là số bệnh nhân của anh trong thời gian chữa trị COVID-19.
Ngay khi về nhà, anh Đức đã liên hệ với người bạn là nhà phân phối sản phẩm máy tạo nước sát khuẩn PG3.0 (Tập đoàn OSG, Nhật Bản) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghe ý tưởng thiết thực, người bạn của anh đã đồng ý hỗ trợ miễn phí một máy tạo nước sát khuẩn PG3.0 (trị giá hơn 100 triệu đồng) cho anh Đức chống dịch ở Đà Nẵng. Để tạo ra nước sát khuẩn an toàn, công nghệ điện phân tế bào đơn được ứng dụng trong chiếc máy này; nước máy sẽ được xử lý sạch trước khi đưa vào điện phân, xử lý hóa chất. Nước sau khi qua thiết bị có độ pH từ 3.0 - 6.5, ổn định và có tính sát khuẩn cao, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho da tay và vật dụng.
“Nếu sử dụng quá nhiều cồn 70 độ để sát khuẩn có thể gây hại da, khô nứt và khá tốn kém. Còn dung dịch nước sát khuẩn được sản xuất từ thiết bị này rất thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, giá thành rẻ và đã được Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận khả năng diệt khuẩn đến 99%” - anh Đức cho biết.
Trong thời gian phải cách ly tại nhà, anh Đức đã kêu gọi thêm các tình nguyện viên tham gia trực tiếp thực hiện Dự án 687. Do đã “nổi tiếng” với những bài viết trên mạng về quá trình chữa trị COVID-19 nên đã có nhiều tình nguyện viên tham gia cùng anh. Từ các khâu vận hành máy sản xuất, đóng chai, vận chuyển đến các cơ sở đều có tình nguyện viên hỗ trợ nhiệt tình, anh Đức là người kết nối và điều hành chung từ xa. Anh gọi những tình nguyện viên này là Team 687.
Mỗi phút máy sản xuất được 5 lít nước sát khuẩn, Team 687 chiết ra 2 loại bình đựng là: can nhựa 20 lít và bình xịt cầm tay 500 ml. Thời gian đầu khó khăn, anh Đức lên mạng kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền mua vỏ can nhựa, bình xịt, còn chi phí mua hóa chất vận hành máy thì anh Đức tự chi trả.
Đến nay, sau hơn 2 tuần làm việc liên tục, Team 687 đã sản xuất ra hơn 10.000 lít nước sát khuẩn miễn phí cung cấp cho nhiều nơi như: Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Đà Nẵng, chợ đầu mối Hòa Cầm, chợ Non Nước, nhiều khu vực dân cư bị phong tỏa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Trong tương lai, anh Mai Anh Đức cho biết sẽ tiếp tục sản xuất nước sát khuẩn để phục vụ trong các trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất để đảm bảo an toàn cho người dân trong trạng thái “bình thường mới”.
Nói về những đóng góp của anh Mai Anh Đức, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hòa Vang (Bệnh viện dã chiến Hòa Vang trong dịch COVID-19) cho biết: “Chúng tôi rất cảm kích trước tấm lòng tri ân của bệnh nhân Mai Anh Đức đối với đội ngũ y, bác sĩ tại đây. Nghĩa cử cao đẹp này vừa tiếp thêm nguồn lực cho công tác chống dịch của bệnh viện, vừa là nguồn động viên tinh thần cho các y, bác sĩ tiếp tục chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19, sớm đẩy lùi dịch bệnh”.