Trọn tâm huyết nơi đảo xa

Khi chọn xã đảo là nơi dành trọn tâm huyết để truyền dạy con chữ cho con em ngư dân, thầy giáo Lê Bá Giáp (sinh năm 1984), trú tại phường Cam Phú, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, không thể lường hết những khó khăn phải trải qua. Thế nhưng, sau một thời gian công tác, thầy Giáp lại lựa chọn gắn bó cả cuộc đời nơi đảo xa.

Thầy Lê Bá Giáp với học sinh trong một giờ lên lớp.

Năm 2008, tốt nghiệp Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng, chàng trai trẻ người Thanh Hóa Lê Bá Giáp nộp đơn và được phân công về dạy môn Giáo dục thể chất tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực thuộc xã đảo Cam Bình, thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa). Với Giáp lúc đó, ước mơ đơn giản chỉ là thực hiện hoài bão của tuổi trẻ - đến nơi nào khó khăn để cống hiến.

Trò chuyện về những ngày đầu rời thành phố nhộn nhịp đến vùng biển đảo nhận công tác, thầy Giáp xúc động chia sẻ, những ngày đầu giảng dạy ở xã đảo rất khó khăn, địa hình chưa quen thuộc, xung quanh trường đều là núi, đảo, cách xa đất liền cộng thêm thiếu thốn đủ thứ khiến thầy tưởng như không thể vượt qua được.

“Nghĩ về đất liền, nơi có bố mẹ già, vợ và con thơ đang chờ mong tôi thấy rất trống trải. Tuy nhiên, khi nghĩ đến học sinh, tình người, tình đồng nghiệp nơi đây... tôi đã quyết tâm ở lại gắn bó với xã đảo này”, thầy Giáp trải lòng.

Năm 2012, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bình Hưng (một điểm trường của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực) được thành lập ở một hòn đảo xa hơn, thậm chí khó khăn hơn, nhưng với sự đam mê, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy Giáp đã viết đơn tình nguyện đến đây dạy học.

Thầy Lê Bá Giáp với các con trong một dịp cuối tuần về thăm nhà.

Thầy Giáp cho biết đã gần 10 năm công tác ở đảo, từng trải qua không ít khó khăn, gian khổ như thiếu nước ngọt để tắm gội, không có điện, không có chỗ ngủ... Khó khăn là vậy, nhưng nếu cho bắt đầu lại thầy cũng sẽ chọn nơi đây để gắn bó, cống hiến.

Là trường học ở xã đảo nên điều kiện trang thiết bị còn thiếu thốn. Thầy Giáp cùng đội ngũ giáo viên của trường chung tay gây dựng, kêu gọi sự hỗ trợ từ xã hội để tạo môi trường học tập tốt hơn cho các em. Ngoài ra, thầy cùng các giáo viên, chính quyền địa phương tổ chức vận động học sinh đến trường. Nhiều em chưa học hết cấp 2 đã nghỉ học đi làm kiếm thu nhập. Tuy nhiên, dưới sự vận động tích cực của thầy và các đồng nghiệp, hầu hết các em đã quay lại trường để học.

Để thu hút học sinh đến trường, thầy Giáp còn tham mưu nhà trường thành lập Câu lạc bộ dạy bơi, bóng chuyền từ năm học 2012 - 2013. Mặc dù đa số đều biết bơi nhưng việc tham gia hoạt động ngoại khóa giúp các em được học kỹ thuật bơi đúng cách nên học sinh rất hào hứng.


Đến nay, hơn một nửa trong số gần 250 học sinh của trường đã và đang tham gia các câu lạc bộ này. Thời gian tới, thầy Giáp sẽ thực hiện dự định ấp ủ bấy lâu nay, đó là xây dựng đội bóng chuyền của trường vững mạnh hơn, tạo sân chơi, động lực cho học sinh ham thích đến trường.

Thầy Hà Đức Tiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bình Hưng cho biết, thầy Lê Bá Giáp có bề dày thành tích tốt như: Nhiều năm là giáo viên giỏi cấp trường; được UBND thành phố tặng Giấy khen; đạt sáng kiến kinh nghiệm loại A cấp thành phố năm 2015 - 2016; nhiều năm liền huấn luyện học sinh tham gia Hội khỏe Phù đổng cấp thành phố đạt nhiều huy chương ở các môn như bi sắt, bóng chuyền, bơi lội, đẩy gậy…

Bằng sự tận tâm và nỗ lực của mình, thầy Giáp là một trong 42 giáo viên tiêu biểu nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lễ tuyên dương các thầy, cô giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trên huyện đảo, xã đảo trong cả nước năm 2016.

Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Lan tỏa phong trào "Người tốt việc tốt" trong thanh niên
Lan tỏa phong trào "Người tốt việc tốt" trong thanh niên

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV, năm 2016 tại Hà Nội ngày 29/8. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu chúc mừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN