Video Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung chia sẻ:
Trăn trở về người kế cận
“Người ta thường nói vui rằng, tôi đang ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’ khi miệt mài với công việc truyền dạy nghệ thuật, mà không nhận bất kỳ đồng thù lao nào. Thế nhưng, với tôi, đó không chỉ đơn thuần là công việc, mà còn là sứ mệnh cao cả. Niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống đã thôi thúc tôi không ngừng nỗ lực, tận tâm truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Dù không có những đãi ngộ vật chất, tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tình yêu nghệ thuật. Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú mà tôi vinh dự nhận được càng thôi thúc tôi phải cố gắng hơn nữa, xứng đáng với sự tin yêu của cộng đồng”, Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung chia sẻ.
Nghệ nhân Phan Thị Kim Dung tâm niệm, việc gìn giữ và phát huy những giá trị cốt lõi của nghệ thuật dân gian là sứ mệnh thiêng liêng. Bà luôn đau đáu trong việc truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc.
Từ khi lên 7-8 tuổi, nghệ nhân đã được cha mẹ, thế hệ đi trước truyền dạy, vun đắp niềm đam mê qua những câu hát xẩm, hát chèo. Cũng từ đó, âm nhạc dân gian đã ngấm sâu vào “máu thịt” của nghệ nhân đến nay. Bà tự hào chia sẻ với phóng viên, “di sản” quý giá nhất gia đình bà chính là lời ca tiếng hát, là những câu hát xẩm, hát chèo… đậm tình yêu quê hương, đất nước, con người…
Mong muốn tiếp cận gần hơn với những người trẻ, bà khuyến khích sự sáng tạo nhưng phải bảo tồn bản sắc, hồn cốt dân tộc. Việc cải biên một làn điệu phải dựa trên nền tảng vững chắc của truyền thống, không làm mất đi bản sắc dân tộc. Vì vậy, bà luôn nỗ lực hết mình để gìn giữ và truyền dạy những giá trị tinh túy của hát xẩm, hát chèo… góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của Thủ đô.
Nhiều năm nay, bà luôn trăn trở, tìm kiếm thế hệ kế cận để tiếp nối sự nghiệp truyền giữ hồn cốt dân tộc. Nghệ nhân Nhân dân nói, chỉ khi tìm được người có tài, có tâm để tiếp tục lưu truyền qua các thế hệ, để âm nhạc dân gian còn sống mãi trong tâm trí người dân nước Việt, bà mới cảm thấy an lòng...
Ông Nguyễn Đình Đăng (73 tuổi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) bộc bạch: "Cha ông ta đã để lại cho dân tộc một kho tàng văn hóa vô giá, trong đó có nghệ thuật hát xẩm. Nhờ sự tận tâm của cô Kim Dung, tôi và các học viên đã hiểu rõ hơn về giá trị của loại hình nghệ thuật này và quyết tâm gìn giữ, phát triển. Chúng tôi cùng nhau sáng tạo, cải biên những bài hát xẩm cổ truyền, như các tác phẩm của cụ Hà Thị Cầu, để đến gần hơn với giới trẻ, nhưng vẫn giữ nguyên hồn cốt dân tộc, cốt cách người xưa".
Không chỉ là “một câu hát”
Từ năm 2009, mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, 35 người từ người già đến trẻ tại làng Quan Nhân (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) lại háo hức rủ nhau đến học hát, giao lưu âm nhạc dân gian cùng Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung.
Bên cạnh đó, mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần, bà tham gia truyền dạy âm nhạc truyền thống cho các em nhỏ tại Trung tâm Văn hóa quận Thanh Xuân với khoảng 30 học viên.
“Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa?
Đánh vần năm ngoái năm xưa,
Năm nay quên hết cũng như chưa đánh vần”
“Hỏi thăm cô Tú” là bài hát xẩm được Nghệ nhân Nhân dân Kim Dung ưu ái lựa chọn dạy cho các bạn trẻ đang theo học âm nhạc truyền thống. Bà Kim Dung cho biết: “Tôi phải lựa chọn những bài hát phù hợp với lứa tuổi các con. Các con đang còn độ tuổi đến trường, chưa thể giới thiệu các nội dung tình yêu đôi lứa, thay vào đó, tôi đem đến nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa, đúc kết các bài học trong cuộc sống".
Ngoài “Hỏi thăm cô Tú” cổ vũ tinh thần ham học hỏi, mở rộng tầm nhìn, mạnh dạn khám phá thì “Xuân về trên đất Thăng Long” cũng là bài hát quen thuộc trong lớp học của bà Kim Dung. Với nội dung sâu sắc cùng ca từ sắc bén, tác phẩm truyền tải thông điệp về tình yêu nước thương dân, “một người vì mọi người”, luôn ưu tiên lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân.
Bà Kim Dung kể: “Học trò của tôi thường hay hát xẩm dưới lá cờ Tổ quốc vào thứ 2 đầu tuần. Điều này không chỉ giúp các bạn trong trường có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật văn hoá dân tộc, mà còn lan tỏa giá trị tuyệt vời từ những bài hát dân gian đem lại. Đó là phẩm chất cốt cách của người Việt Nam cần được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác".
Em Đinh Linh Đan (Học sinh lớp 9, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) theo học bà Kim Dung được 6 năm. Có lần, Linh Đan đã đem bài hát “Hỏi thăm cô Tú” kết hợp cùng các bạn trong lớp tạo ra một tiết mục văn nghệ độc đáo, khác biệt và đoạt giải Nhì tại cuộc thi Ams' Got Talent. Đây vừa là dấu ấn quan trọng với Linh Đan, vừa là cơ duyên thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm đến văn hóa nghệ thuật nói chung và hát xẩm nói riêng.
“Bà Dung dạy con từ cách phát âm chuẩn, nhấn nhá đến những kỹ thuật rung giọng, giúp câu hát thêm mượt mà, truyền cảm. Nhờ vậy, con đã tự tin bước lên sân khấu biểu diễn và giành được giải thưởng. Đó thật sự là một niềm tự hào và tiếp thêm động lực lớn để con tiếp tục theo đuổi đam mê của mình”, em Nguyễn Hà Tây An (Học sinh lớp 6, Trường THCS Thanh Xuân Trung) đã theo học lớp bà Kim Dung được 3 năm chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, bà Kim Dung tâm huyết, hăng say dạy hát cho các em nhỏ khuyết tật… Nhưng cũng không ít lần bà xin dừng việc truyền dạy cho các em nhỏ, bởi vì thương, xót xa cho cuộc đời, hoàn cảnh của các con, bà không kìm được cảm xúc, nước mắt bất giác rơi… Nhưng cũng chính những lúc đó, bà nhận ra niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng của các em, bà tự dặn bản thân không thể bỏ cuộc…
“Các con thường bảo tôi: ‘Cô cứ dạy chúng con, chúng con múa hát được.’ Nhìn các em, tôi cảm động và thương lắm. Các em múa và hát giỏi, khiến tôi càng thêm động lực để truyền dạy…”, Nghệ nhân Nhân dân Kim Dung nói.
Bên cạnh việc truyền dạy âm nhạc cho các em nhỏ, Nghệ nhân Nhân dân Kim Dung cũng miệt mài lan tỏa tình yêu âm nhạc dân gian đến những người dân tại làng Quan Nhân, giúp phong phú thêm đời sống tâm hồn của họ. Phần lớn người dân nơi đây là nông dân chân chất, mộc mạc, họ chỉ quen tay liềm, tay cuốc, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với nghệ thuật, âm nhạc dân gian. Vì vậy, trong quá trình dạy, Nghệ nhân Nhân dân Kim Dung kiên nhẫn dạy từng chữ, từng câu, từng điệu múa, cách cầm quạt…
Chia sẻ niềm vui với phóng viên, bà Kim Dung cho biết: “Tôi hạnh phúc, mãn nguyện khi hiện tại, các bà, các chị múa dẻo, đẹp… Có bà đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn say sưa, nhiệt huyết tập múa, tập hát… Tôi cũng cảm thấy ấm lòng khi được góp phần lan tỏa nghệ thuật truyền thống của dân tộc qua các sự kiện lớn tại Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam, phục vụ các vị khách quốc tế tại Nhà khách Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước...”.
Cô Nguyễn Thị Minh Yến, 68 tuổi, dù không có năng khiếu, nhưng lại mang trong mình một tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật dân gian Việt Nam. Hơn một thập kỷ qua, cô đã gắn bó với Câu lạc bộ của nghệ nhân Kim Dung, nơi cô xem như ngôi nhà thứ hai của mình. Với tâm hồn nhiệt huyết, cô Minh Yến luôn sẵn sàng đảm nhận những vai diễn khó, những vai đòi hỏi sự hy sinh như vai hề, vai thầy mù… Đặc biệt, vai mẹ đã trở thành thương hiệu của cô, được khán giả yêu mến và nhớ đến.
“Tôi cảm thấy may mắn khi được tham gia câu lạc bộ của chị Kim Dung, được gặp gỡ những người bạn đồng điệu trong tâm hồn... Chúng tôi như một gia đình nhỏ, cùng nhau học hỏi, chia sẻ và động viên nhau trong từng buổi tập. Có những lúc chuẩn bị lên sân khấu, tôi quên lời, quên đạo cụ, nhưng mọi người luôn nhiệt tình giúp đỡ, điều đó làm tôi cảm thấy tự tin và an tâm hơn. Nhờ câu lạc bộ, tôi không chỉ có thêm nhiều người bạn tốt, mà còn có những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên...”, cô Nguyễn Thị Hạnh tâm sự.