Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà gỗ khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Tủa không khỏi bùi ngùi khi nhớ về quãng thời gian cơm không đủ no, áo không đủ ấm của gia đình, bởi nhà đông con, trong khi đất sản xuất ít, lại chỉ trồng ngô năng suất thấp.
Ông Tủa đang chăm sóc đàn dê. |
Quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, năm 2000, gia đình ông vay mượn tiền đầu tư nuôi 2 con bò sinh sản. Nhờ chăm sóc cẩn thận, vài năm sau gia đình ông bắt đầu có thu nhập từ bán bê. Với số tiền đó, ông đầu tư nuôi thêm 4 con dê sinh sản và đến năm 2010, ông đã nhân đàn lên 26 con, trong đó 10 con dê sinh sản, cho thu nhập 30 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở đó, ông nuôi 3 con lợn nái để gây giống, mỗi năm xuất chuồng 40 con, cho thu nhập 25 triệu đồng/năm. Nhằm đảm bảo lương thực cho sinh hoạt, chăn nuôi, ông tích cực khai hoang đất với 1.500 m2 nương ngô, lúa và gần 1ha lúa nước.
Từ sự cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm đã giúp ông Tủa không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá giả với thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm.
Ông Tủa cho biết: Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước thông qua nhiều chương trình, dự án, đặc biệt là hàng năm các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, bà con có điều kiện tham gia để mở mang kiến thức và lựa chọn áp dụng vào thực tế của gia đình. Bản thân ông cũng vậy, từ tay trắng giờ đã có của ăn, của để, vui nhất là có đủ kinh nghiệm cũng như kiến thức để làm đâu thắng đấy.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tủa còn luôn sẵn lòng giúp hộ nghèo trong bản con giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng chọn để cùng vươn lên trong cuộc sống.