Đây đang là điểm sáng trong phong trào góp đất làm đường giao thông của tỉnh Thái Bình, trong đó sự đồng thuận của người dân đóng vai trò quan trọng, giúp các dự án được triển khai nhanh chóng, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Đường làm đến đâu, nhân dân tự nguyện góp đất đến đó
Dự án đường nối từ đường huyện ĐH.78 đi đê Hữu Luộc đến đường tỉnh ĐT.452 đi qua các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Phụ) có chiều dài 5,5 km, do UBND huyện Quỳnh Phụ làm chủ đầu tư với nguồn vốn 34,8 tỷ đồng. Sau khi triển khai, dự án đã được người dân nơi tuyến đường đi qua đồng thuận cao và tự nguyện góp đất làm đường, đưa công trình này trở thành công trình có thời gian giải phóng mặt bằng nhanh nhất của huyện Quỳnh Phụ nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung cho đến nay.
Về xã Quỳnh Ngọc những ngày này, không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân tự phá dỡ tường bao, cổng dậu và các công trình trên đất để nhường đất làm đường giao thông. Với 3/10 thôn trong vùng dự án đi qua, dù là đất ở hay đất canh tác hoa màu người dân đều sẵn sàng góp đất cùng Nhà nước, mong sớm có được con đường mới thuận lợi cho việc đi lại của bà con địa phương.
Ông Lưu Xuân Nhung, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc cho biết, dự án đường nối từ đường huyện ĐH.78 đến đường tỉnh ĐT.452 đi qua xã dài 3,8 km. Sau khi tuyên truyền, vận động người dân, đến nay 161 hộ dân thuộc 3 thôn Tân Mỹ, Đông Châu, Quỳnh Lang đã tự nguyện góp đất thực hiện dự án. Cụ thể, 82 hộ tự nguyện hiến đất ở với diện tích 2.100m2, 79 hộ hiến đất nông nghiệp và đất khác với diện tích 2.150m2. Đặc biệt, trong số các hộ góp đất có nhiều hộ là đồng bào Công giáo. Hiện các hộ đã nhận được 50% tiền bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cường (71 tuổi, thôn Tân Mỹ) là một trong những gia đình Công giáo tiêu biểu, đi đầu trong phong trào góp đất làm đường của xã Quỳnh Ngọc. Ông cùng 4 người con đã góp hơn 200 m2 đất ở cho dự án làm đường giao thông ĐH.78 qua xã Quỳnh Ngọc. Đây cũng là hộ gia đình đóng góp đất ở nhiều nhất cho dự án này. Ông cho biết, ngay sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về việc triển khai dự án, ông đã nhanh chóng thống nhất cùng các thành viên trong gia đình và chủ động tháo dỡ các công trình tường bao để góp đất cho công trình. Đối với ông và nhiều bà con trong thôn Tân Mỹ, con đường mới khang trang, sạch đẹp sắp tới là niềm vui lớn, vì vậy việc đóng góp kể cả đất ở là việc cần thiết, nên làm vì lợi ích chung của xã hội. Đường làm đến đâu, bà con tự nguyện đóng góp đến đó, Nhà nước bỏ vốn, nhân dân hiến đất, tất cả chung sức đồng lòng vì mục tiêu chung.
Cũng như gia đình ông Cường, gia đình ông Bùi Xuân Thành, thôn Đông Châu, xã Quỳnh Ngọc cũng tự nguyện góp 62 m2 đất ở và 160 m2 đất nông nghiệp để thực hiện dự án. Là đảng viên hơn 30 năm tuổi Đảng, dù đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn song ông Thành cũng không ngần ngại quyết định nhường đất làm đường giao thông. Ông chia sẻ, sau khi có chủ trương của huyện, của xã, Chi bộ thôn Đông Châu đã họp và triển khai ngay công tác tuyên truyền, vận động bà con. Nhận thức được tầm quan trọng của tuyến đường với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, 71 hộ dân thôn Đông Châu đã thống nhất cùng góp đất làm đường.
Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Ngọc (huyện Quỳnh Phụ) Phạm Văn Tập cho biết, việc người dân tự nguyện góp đất cho Dự án là thành công ngoài mong đợi của cấp ủy và chính quyền, tạo ra khí thế và sức mạnh mới trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Phụ về công tác giải phóng mặt bằng, cấp ủy, chính quyền xã Quỳnh Ngọc đã huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, nòng cốt là Hội Cựu chiến binh đi từng nhà làm công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận thực hiện Dự án. Sau khi nắm bắt chủ trương, chỉ sau 4 ngày (từ ngày 17/7 đến 21/7), tất cả 161 hộ dân nơi tuyến đường đi qua đã ký cam kết góp đất làm đường giao thông qua địa bàn xã.
Nhân rộng cách làm hay
Không chỉ riêng xã Quỳnh Ngọc, 33 hộ dân 2 xã Quỳnh Hoàng và Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Phụ) cũng đã tự nguyện đóng góp hàng trăm mét vuông đất cho Dự án đường nối từ đường huyện ĐH.78 đến đường tỉnh ĐT.452. Đây là thành công lớn của huyện Quỳnh Phụ trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ trước tới nay.
Ông Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ cho biết, nếu thực hiện các bước theo quy trình, thời gian làm công tác giải phóng mặt bằng dự án đường nối từ đường huyện ĐH.78 đến đường tỉnh ĐT.452 ít nhất mất 1 năm. Tuy nhiên, nhờ có sự đồng thuận cao của người dân, đặc biệt là góp đất làm đường của 194 hộ dân của 3 xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm, tiến độ giải phóng mặt bằng đã rút ngắn lại chỉ trong 4 ngày.
Để hỗ trợ người dân, huyện đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất với những hộ có diện tích đất góp cho dự án với số tiền trên 1,5 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước từ chi phí giải phóng mặt bằng hàng chục tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí được tiết kiệm này sẽ tạo nguồn để tiếp tục xây dựng các công trình giao thông, công trình phúc lợi xã hội khác trên địa bàn.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Phụ Nguyễn Văn Nhiễm, những năm qua, huyện Quỳnh Phụ luôn xác định giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tạo quỹ đất để thực hiện các dự án, thu hút đầu tư vào địa bàn. Đặc biệt, ngày 13/7/2021, Huyện ủy Quỳnh Phụ đã ban hành Thông báo 220-TB/HU về việc vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã do huyện làm chủ đầu tư, trong đó huyện xác định việc vận động phải dựa trên tinh thần dân chủ, tự nguyện, công khai, minh bạch và sự đồng thuận cao của người dân.
Địa phương nào có 100% hộ dân đồng thuận, tự nguyện góp đất để mở rộng đường huyện, đường liên xã sẽ được ưu tiên xây dựng. Huyện sẽ hỗ trợ tài sản xây dựng và cây trồng hình thành hợp pháp trên đất góp và thực hiện tái định cư cho người dân có nhu cầu nếu diện tích còn lại sau khi tự nguyện góp đất không đảm bảo điều kiện xây dựng nhà ở (dưới 30m2 ở đô thị và dưới 40 m2 ở nông thôn).
Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ Đinh Trọng Xá cho biết, việc thực hiện công tác vận động người dân tại Dự án đường nối từ đường huyện ĐH.78 đi đê Hữu Luộc đến đường tỉnh ĐT.452 là bước khởi đầu quan trọng của huyện Quỳnh Phụ trong thực hiện Thông báo 220-TB/HU, trong đó tư tưởng trọng dân, gần dân, dân biết, dân bàn và dân đồng thuận là then chốt, xuyên suốt quá trình thực hiện. Sự thành công của dự án này góp phần tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn huyện về mô hình vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất thực hiện các dự án giao thông và các công trình công cộng, phúc lợi xã hội khác trên địa bàn.
Tại buổi kiểm tra mô hình góp đất làm đường của người dân tại xã Quỳnh Ngọc ngày 27/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đánh giá cao cách làm của huyện Quỳnh Phụ, đồng thời đề nghị huyện Quỳnh Phụ cần nhân rộng mô hình này trong thực hiện các dự án giao thông khác trên địa bàn.