Là người dân tộc Nùng, chị Lan luôn nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương cũng như tháo vát và nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình, quan tâm đến đời sống của bà con trong thôn. Chị Lù Thị Lan được phụ nữ Nậm Chảy coi như một trong những tấm gương sáng để học tập.
Nếu có dịp đi dọc con đường vành đai biên giới thuộc địa bàn xã Nậm Chảy, mọi người sẽ ấn tượng khi được tận mắt ngắm nhìn màu xanh bạt ngàn của những vạt đồi chuối nối tiếp nhau, trải dài đến lưng núi. Dải đất giáp biên Nậm Chảy hôm nay có diện mạo của vùng quê nông thôn bình yên và trù phú. Niềm vui luôn hiện diện trong ánh mắt, nụ cười của người dân nơi đây khi họ không còn phải lo chiến đấu với cái đói, cái nghèo. Khi nói tới cây chuối - cây làm giàu của địa phương, người dân thôn Sấn Pản lại nhắc tới chị Lù Thị Lan - người tiên phong đưa giống cây này về trồng tại thôn, từ đó nhân rộng ra toàn xã Nậm Chảy như bây giờ.
Chị Lù Thị Lan sinh ra ở xã Bản Xen, huyện Mường Khương; lấy chồng và gắn bó với Nậm Chảy từ những ngày mảnh đất này còn đầy gian khó. Nậm Chảy là xã vùng cao của huyện Mường Khương, nơi người Mông sinh sống là chủ yếu. Khoảng hơn 10 năm trở về trước, từ trung tâm huyện vào Nậm Chảy phải mất tới nửa ngày. Nhiều thôn trong xã còn chưa có điện lưới.
Là người ham học hỏi, tích cực tham gia hoạt động xã hội nên năm 2007, chị Lù Thị Lan được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn. Thời gian này, chị nhận thấy rõ ràng hơn đời sống phụ nữ trong thôn còn nhiều thiệt thòi do phong tục, tập quán lạc hậu, kinh tế khó khăn. Cùng với đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ, tình trạng tảo hôn, bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình vẫn tồn tại.
Để xóa bỏ dần tình trạng này, chị Lù Thị Lan xác định chỉ có vận động phụ nữ mạnh dạn sản xuất kinh tế, thoát nghèo mới có thể cải thiện cuộc sống của chính họ. Nghĩ là làm, chị dành thời gian đến tận nơi tìm hiểu cách làm nông nghiệp của nông dân Trung Quốc ở vùng giáp biên. Rồi chị băn khoăn: chất đất, khí hậu Nậm Chảy tương tự vùng đất bên kia biên giới. Trong khi đó, nông dân bên kia biên giới lao động cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng chuối và các loại cây trồng khác. Từ băn khoăn đó, năm 2015, chị Lan mạnh dạn đưa chuối về trồng thử trên 1 ha đất của gia đình.
Theo tính toán của chị Lan, tuy đầu tư cho việc trồng chuối ban đầu lớn hơn, nhưng bù lại đây là loại cây khá dễ canh tác, không cần kỹ thuật cao, lại nhanh cho thu hoạch và giá trị kinh tế cao gấp từ 5 đến 10 lần so với trồng ngô và một số loại cây trồng truyền thống của địa phương. Nhờ chăm bón tốt, với 1.000 gốc chuối ban đầu của gia đình chị đã cho thu nhập không nhỏ. Năm 2018, gia đình chị trở thành một trong những hộ có quy mô canh tác chuối lớn nhất xã với hơn 3.000 gốc. Trong năm đó, chuối cho sản lượng quả cao lại bán được giá, gia đình chị thu lãi gần 300 triệu đồng.
Năm 2016, chị Lù Thị Lan được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn. Thôn Sấn Pản có 64 hộ, thì toàn bộ là hội viên Chi hội Nông dân. Nhận thấy hiệu quả từ cây trồng đem lại, chị Lan đã tích cực tuyên truyền, vận động và chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc chuối cho hội viên. Với những hộ nghèo do neo đơn hoặc thiếu vốn, chị đứng ra bảo lãnh vay vốn hoặc mua phân bón trả chậm, vận động hội viên trong chi hội giúp cây giống, công lao động. Nhờ vậy, mỗi năm, Chi hội giúp được từ bốn đến năm hội viên thoát nghèo, không phải nhận hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, diện tích chuối toàn thôn đã lên tới trên 110 ha, đưa thôn Sấn Pản trở thành một trong những thôn trồng chuối nhiều nhất trong xã, mỗi năm xuất khẩu khoảng 2.000 tấn quả, thu về hơn 10 tỷ đồng. Từ cây chuối, đến hết năm 2020, thôn chỉ còn 12/64 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm khoảng 70% so với năm 2015.
Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy Cư Thọ cho biết, học theo chị Lan, không chỉ phụ nữ Sấn Pản mà nhiều thôn bản khác của Nậm Chảy đã thu hẹp diện tích trồng ngô hiệu quả thấp chuyển sang trồng chuối. Bên cạnh đó, bà con cũng tích cực khai hoang, mở rộng diện tích trồng chuối trên một số triền đồi vốn trước kia chủ yếu là cây tạp. Đến thời điểm này, quy mô trồng chuối của địa phương đã lên đến trên 300 ha. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa bàn xã hiện chỉ còn 96/602 hộ nghèo, chiếm 15,9%, giảm khoảng 52% so với năm 2015.
Theo gương chị Lù Thị Lan, nhiều phụ nữ trong xã đã biết vượt qua khó khăn, thay đổi nhận thức và xóa bỏ rào cản về phong tục tập quán để vận động gia đình phát triển kinh tế. Chị Chảo Cồ Chín, thôn Sấn Pản, xã Nậm Chảy vui vẻ cho biết chị Lan thường xuyên đến từng nhà động viên chị em cùng làm ăn, vươn lên phát triển kinh tế, giữ vệ sinh môi trường, xây dựng nhà ở phong quang, bản làng sạch đẹp. "Nhờ có những người như chị ấy, giờ gia đình tôi đã có kinh tế khá hơn trước kia nhiều rồi. Chúng tôi tin tưởng và yêu mến chị.”
Dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường nông sản, để tránh tình trạng độc canh với nhiều rủi ro, bên cạnh việc trồng chuối, chị Lan đang thử nghiệm chuyển đổi 3ha diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng chè. Chị cho biết, chè là loại cây trồng chủ lực của tỉnh Lào Cai, thị trường ổn định lại được giá, quan trọng nhất là phù hợp với thổ nhưỡng Nậm Chảy nên ngoài chuối, đây cũng là cây trồng tiềm năng giúp người dân địa phương thu nhập ổn định trong thời gian tới.
Ngoài trồng trọt, gia đình chị còn đầu tư chăn nuôi lợn, gà, kết hợp với kinh doanh hàng tạp hóa. Nhờ nhanh nhẹn, cần cù, chịu khó, ham học hỏi và nhạy bén trong lao động sản xuất, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình chị Lan đem lại thu nhập ổn định từ 600 đến 650 triệu đồng mỗi năm. Từ nguồn thu này, gia đình chị đã có điều kiện để xây dựng ngôi nhà mới 2 tầng khang trang, kiên cố, các con đều được đến trường.
Bận bịu là vậy, chị Lan luôn biết cách sắp xếp hợp lý giữa thời gian làm việc, thời gian dành cho gia đình với thời gian tham gia sinh hoạt hội. Chị cùng các hội viên nông dân Sấn Pản phối hợp chặt chẽ Đồn Biên phòng Nậm Chảy bảo vệ hơn 4 km đường biên, với tám cột mốc an toàn, xây dựng biên giới hữu nghị, gắn kết cùng phát triển. Ngoài ra, đảm nhận chức trách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Mường Khương, chị quản lý tốt nguồn vốn tín dụng với tổng dư nợ 1,7 tỷ đồng với 49 hộ vay vốn, giúp các thành viên vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đi lên từ nghèo khó, bằng sự thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất và trách nhiệm với công tác xã hội, chị Lù Thị Lan đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thường xuyên năm 2017-2018. Chị đã nhận được danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” năm 2019; Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Mường Khương vì đã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trên địa bàn huyện, giai đoạn 2014-2019. Chị còn được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2015-2020”...