Cô giáo khuyết tật và câu chuyện thiện nguyện
Tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, tỉnh Đồng Tháp tại giải thưởng Kova 2022. Cô giáo Minh Tâm là một trong 4 nhân vật được vinh danh ở hạng mục “Sống đẹp” - dành cho những việc làm tử tế, nhân văn và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Đồng thời, cô giáo Minh Tâm cũng là một trong 9 cá nhân được vinh danh tại Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2022. Giải thưởng nhằm tôn vinh, động viên, cổ vũ và nhân rộng các điển hình tiêu biểu đã có những cống hiến và đóng góp xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, kêu gọi các tầng lớp thanh niên Việt Nam tình nguyện, sẵn sàng chung sức vì cộng đồng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với nụ cười luôn thường trực, cô giáo Minh Tâm cho biết: “Tôi làm thiện nguyện với tất cả khả năng. Bản thân là giáo viên nên tôi thường làm các hoạt động thiện nguyện cho học sinh. Trong năm vừa qua, các hoàn cảnh tôi giúp đỡ với số tiền quyên góp khoảng hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn hơn 500 triệu, tặng 20 học bổng cho các em học sinh, tổ chức các hoạt động cho người khuyết tật”.
Để có được những thành quả ấy là cả một nỗ lực bền bỉ không ngừng của một giáo viên khuyết tật trong hơn 10 năm qua.
Năm 2008, tốt nghiệp đại học sư phạm ngành Toán, Minh Tâm về làm giáo viên ở một xã vùng biên giới huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Trước cái nghèo, đói của học sinh, người dân nơi đây, cô giáo Minh Tâm từng có ý nghĩ sẽ làm thiện nguyện để nhiều em học sinh được tới trường. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, tai nạn ập đến đã cướp đi một chân của cô.
Nhớ lại lúc đó, cô giáo Minh Tâm nói: “Tôi đang trên đường đi vận động các em trở lại lớp học sau 3 tháng hè. Chiếc xe tải đâm phải đã khiến tôi phải cưa mất 1 chân”. Trở lại những gì đang có, cô giáo Minh Tâm quyết tâm hồi phục sức khỏe, tập đi trên đôi chân giả để mong sớm trở lại dạy học. Gần nửa năm kiên trì với chiếc chân giả, cô giáo Minh Tâm đã hoàn toàn trở lại lớp học như mong đợi. “Thích nghi được với hoàn cảnh mới cần lắm sự quyết tâm.
Với ý nghĩ còn đi được là còn thực hiện được ước mơ thiện nguyện, tôi đã làm được nhưng giờ đây là với những người khó khăn, người khuyết tật. Bởi, hơn ai hết, tôi là người hiểu rõ những mặc cảm, tự ti cũng như những khó khăn mà người khuyết tật gặp phải. Năm 2015, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm được thành lập. Những thành viên của nhóm không ai khác chính là những học trò của tôi, từng được tôi giúp đỡ”, cô giáo Minh Tâm nói.
Mỗi năm, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm thực hiện hơn 10 chương trình thiện nguyện, như: Giúp đỡ người già neo đơn, kêu gọi hỗ trợ bệnh nhân nghèo, phát cháo, tặng bảo hiểm y tế cho học sinh, cắt tóc tặng người bệnh ung thư… Đặc biệt, quỹ học bổng mang tên “Học bổng Nhất Tâm - Ươm mầm sự tử tế” ra đời có ý nghĩa lớn với học sinh trong vùng. Mỗi năm, khoảng 20 suất học bổng, mỗi suất 5 triệu đồng được trao đi cho học sinh nghèo.
Những việc làm này của cô giáo Minh Tâm đã là những minh chứng cụ thể cho bài giảng về tấm lòng nhân ái, sự sẻ chia trong cộng đồng. Không những truyền cảm hứng cho học trò, cộng đồng bằng trái tim thiện nguyện, cô giáo Minh Tâm còn lan tỏa tinh thần thể thao tích cực. Những môn cô tham gia là lắc vòng, chạy bộ, gym…
Cô giáo Minh Tâm cho biết: “Điều tôi nhận lại được chính là những nụ cười của người được giúp đỡ. Chính họ đã giúp tôi có thêm động lực để cống hiến, để tiếp tục thuyết phục mọi người không vì khó khăn, khuyết tật mà từ bỏ mong ước cá nhân”.
Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia được khởi xướng từ năm 2011, qua 11 năm liên tiếp, giải thưởng đã có hơn 240 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong hoạt động tình nguyện vì sự phát triển của đất nước và cộng đồng.
Ươm lại những mầm sống bị bỏ quên
Ông Đinh Minh Nhật, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai là một nhân vật được vinh danh trong 9 cá nhân được nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2022. Ông được biết đến với vai trò là người cha nuôi của 131 trẻ em mồ côi. Nhắc đến ông Đinh Minh Nhật, người dân ở thôn 1, xã La Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đều biết. Ông không chỉ nuôi dạy những mồ côi, kém may mắn mà còn cho 13 cháu đi học đại học, cao đẳng và 17 cháu đi học nghề. Dù mang trong mình khối u não nhưng ông Nhật vẫn luôn dành tâm sức, tấm lòng cho mái ấm.
Ông Đinh Minh Nhật cho biết: “Bằng một cách nào đó, những đứa trẻ cảm nhận được tình yêu thương của người cha già. Các con được ăn, học, trưởng thành, rồi có con trở về chăm sóc các em. Đây là điều tôi cảm thấy được động viên”.
Nhớ lại điểm xuất phát ban đầu, ông Đinh Minh Nhật cho biết: “Thực sự là câu chuyện buồn. Đó là khi tôi nhậm chức linh mục tại xã La HIốp thì thấy khi trẻ con ra đời, người mẹ không may chết đi thì đứa bé bị chôn sống theo mẹ. Lúc đó, tôi chỉ có suy nghĩ duy nhất là có thể cứu được những đứa trẻ ấy. Sau một hồi thương thảo, già làng chấp nhận đổi đứa trẻ bằng một con lợn để cúng Giàng. Đưa được đứa bé trở về từ cửa tử, thì tôi nhận ra không phải ai cũng sẵn sàng nuôi. Thế là tôi quyết định nuôi đứa trẻ”.
Sau em bé đầu tiên, ông Nhật tới những buôn làng tìm hiểu về hoàn cảnh của những đứa trẻ và mang về mái ấm Giesu. Những đứa trẻ đến với ông Minh Nhật không chỉ có ông đi tìm mà còn từ những người biết đến tấm lòng của ông. Người ta gọi ông đến nhận nuôi khi thấy một đứa trẻ bị bỏ rơi bên thùng rác hay nằm giữa rừng cao su. Để có tiền chăm sóc trẻ, ông trồng cà phê. Rồi lại thêm nghề làm thuê. “Người ta thuê gì tôi làm nấy, miễn có tiền mua sữa, gạo cho các con ăn”, ông Minh Nhật nói. Nhưng nhà đông con, không ít lần ông thiếu tiền gạo, tiền sữa. Người bán sẵn sàng cho ông khất nợ, thậm chí có người dư giả còn hỗ trợ thêm.
Thời gian trôi đi, ông Minh Nhật cùng với những đứa con xích gần nhau hơn, họ đã cùng nhau mang hơi ấm của gia đình và nỗ lực để có cuộc sống bình thường. Ông Minh Nhật cho biết: “Nuôi trẻ lớn là một chuyện nhưng để các con biết chữ, nghề nghiệp để tự đứng được khi trưởng thành là một chuyện cần hơn. Vì thế, tôi đều cho các con đi học. Sau đó, tuỳ theo năng lực thì có con học đại học, cao đẳng hoặc học nghề. Nhiều cháu đã đỗ đại học, cao đẳng và học các trường nghề.
Nhiều năm xây dựng mái ấm cho những đứa trẻ mồ côi, ông Minh Nhật vẫn một ước mong: Xã hội không còn tình trạng cha mẹ bỏ rơi con, không có những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Những đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình.
Có lẽ, ông Minh Nhật cũng giống như những người cha, người mẹ là hạnh phúc khi thấy các con vui, khoẻ và trưởng thành. Những đứa con lớn tâm sự với ông về ước mơ được trở thành người này, người kia trong xã hội. Nhưng cũng có những tâm sự mong được trở về bên ông để chăm sóc các em, để ông thêm thời gian nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Ông kể rằng, dù tới đâu, nhưng thấy các con trưởng thành, là người có ích, ông thêm niềm vui sống.
Với những người như cô giáo Minh Tâm hay ông Minh Nhật, dù bị cuộc đời đặt trong một hoàn cảnh đầy thử thách, nhưng lòng trắc ẩn đi cùng với một trái tim nồng hậu của họ đã thôi thúc họ nhận sứ mệnh trao tình yêu thương và lẽ sống nhân văn. Để từ đó, những mầm sống tưởng như bị bỏ quên, lại được ấp ủ trong tình thương để bật thành những cây đời xanh tốt.