Tại Thái Bình, những năm qua, các mô hình không gian đọc miễn phí đã giúp phong trào đọc sách trong cộng đồng có bước phát triển mới, góp phần nâng cao kiến thức, giáo dục và rèn luyện nhân cách, giữ gìn và phát huy truyền thống của “Quê hương năm tấn”.
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình, trong khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều không gian đọc cũng như thư viện tư nhân miễn phí được ra đời. Trong đó, mô hình đầu tiên là Không gian đọc An Phú (xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ). Mô hình thư viện hoạt động miễn phí đặt tại nhà dân hoặc những nơi phù hợp do người dân tự quản lý này hình thành năm 2008, do hai anh Trần Thiện Tùng, Nguyễn Văn Quân và chị Kiều Bạch Tuyết sáng lập. Đến nay, tỉnh Thái Bình đã phát triển lên gần 20 thư viện, không gian đọc tư nhân miễn phí hoạt động ở cả thành thị và nông thôn, được ví như “cánh tay nối dài” của hệ thống thư viện, góp phần đưa sách đến gần hơn với người dân trên địa bàn.
Trong số những không gian đọc đó, nhiều nơi do người khuyết tật đứng lên thành lập, trở thành điểm đến hữu ích của người yêu sách, là địa chỉ quen thuộc của học sinh sau mỗi giờ lên lớp và trong dịp nghỉ hè.
Không gian đọc Hy Vọng (phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) hiện là một trong những thư viện tư nhân khá nổi tiếng, thu hút nhiều học sinh và phụ huynh trên địa bàn tới đọc và trao đổi sách.
Đã thành thói quen, vào mỗi cuối tuần, hai chị em Đặng Châu Giang (11 tuổi) và Đặng Bảo Chi (9 tuổi), phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, lại tìm đến Không gian đọc Hy Vọng của anh Đỗ Hà Cừ để thỏa mãn niềm đam mê đọc sách. Không gian này có nhiều đầu sách phù hợp với lửa tuổi của các em. Tại đây các em được tự do khám phá, tìm hiểu những cuốn sách yêu thích, từ đó hình thành thói quen và khơi dậy niềm đam mê với sách.
Do di chứng của chất độc màu da cam nên gần 40 năm nay, anh Đỗ Hà Cừ rất khó khăn trong việc vận động cũng như sinh hoạt hàng ngày. Anh Cừ không có điều kiện đến trường đúng độ tuổi như bạn bè cùng trang lứa. Anh biết đến những chữ cái đầu tiên khi đã 15 tuổi từ người thầy đặc biệt chính là mẹ anh - cô Nguyễn Thị Kim Sơn. Sự ham kiên trì và học hỏi của hai mẹ con đã sớm mang lại thành quả. Từ những chữ cái phát âm khó nhọc, anh Cừ dần dần đọc được những mẩu truyện ngắn, rồi tiếp đến là những cuốn truyện dài kỳ và càng ngày anh càng đam mê sách.
Cũng chính niềm đam mê với sách đã giúp anh mở rộng cánh cửa và kết nối để thành lập một thư viện miễn phí cho những người yêu sách với tên gọi “Không gian đọc Hy Vọng” vào năm 2015. Hiện, anh Cừ là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Không gian đọc Hy Vọng, là cầu nối giúp nhiều người khuyết tật tiếp cận với sách qua không gian đọc của mình. Từ những ngày đầu thành lập với nhiều khó khăn, đến nay Không gian đọc Hy Vọng đã phát triển được trên 4.000 đầu sách, đa dạng thể loại từ truyện thiếu nhi đến sách tham khảo phổ thông, tiểu thuyết, sách lịch sử.
Anh Cừ tâm sự, không gian đọc dù nhỏ nhưng sau 8 năm hoạt động đến nay cũng đã phát hành đến 2.000 thẻ đọc. Không chỉ vậy, từ hoạt động của Không gian đọc Hy Vọng đã giúp anh kết nối với nhiều bạn bè trong và ngoài tỉnh. Họ là những người bất kể cơ thể bình thường hay có khuyết tật đều có chung niềm đam mê với sách. Và trong số đó có nhiều bạn học sinh, sinh viên từ khắp các tỉnh, thành sẵn sàng làm tình nguyện viên giúp đỡ anh Cừ trong việc quản lý, phát triển không gian đọc tại địa phương mình.
Không gian đọc Yêu Thương của cô gái mắc bệnh xương thủy tinh Hoàng Thị Dịu ở thôn Minh Thành, xã Hà Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) là không gian đọc thứ 30 vừa được anh Đỗ Hà Cừ giúp sức thành lập. Chị Dịu chia sẻ, nhờ sự giúp đỡ và vận động của anh, “Không gian đọc Yêu Thương” đã có gần 1.000 đầu sách, phục vụ nhu cầu đọc của trẻ em và người dân vùng nông thôn xã Hà Giang. Đây cũng là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm niềm tin giúp chị vượt qua những rào cản, khó khăn của bệnh tật và vươn lên trong cuộc sống.
Còn tại huyện Vũ Thư, Không gian đọc thôn Nội, xã Minh Quang được thành lập đến nay đã gần 10 năm. Chị Phạm Thị Ngát, chủ không gian đọc này là một người khuyết tật, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn luôn tâm huyết với thư viện nhỏ của mình. Bởi với chị, đó cũng là cách lan tỏa tình yêu sách đến các bạn nhỏ vùng nông thôn, từng bước giúp các em hình thành thói quen đọc sách, thay vì sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều.
Ban đầu Không gian đọc có số lượng sách chưa nhiều do chị Ngát tự mua để phục vụ nhu cầu bạn đọc. Cảm phục tinh thần, nghị lực của cô gái khuyết tật yêu sách, nhiều cá nhân, tổ chức đã tặng sách, giúp chị phát triển Không gian đọc lên trên 3.000 bản sách các loại, phù hợp cho nhiều lứa tuổi.
Giám đốc Thư viện tỉnh Thái Bình Lê Thị Thanh đánh giá, những năm qua, gần 20 không gian đọc được thành lập trên địa bàn… đã góp phần phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của người dân địa phương, nhất là khu vực nông thôn. Để hỗ trợ các không gian đọc, Thư viện tỉnh giao cán bộ thư viện huyện trực tiếp hướng dẫn các chủ Không gian đọc nâng cao nghiệp vụ thư viện, phục vụ tốt hơn bạn đọc.