Người công nhân với những sáng kiến làm lợi cho công ty hàng chục tỉ đồng

Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh Nguyễn Văn Long, sinh năm 1986, học nghề rồi vào làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Việt Hàn nằm trên địa bàn huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Với khả năng tự học, luôn khát khao tìm tòi giải pháp để công việc đạt hiệu quả cao, từ năm 2007 đến nay, anh Nguyễn Văn Long đã có 12 giải pháp sáng kiến làm lợi cho công ty hàng chục tỉ đồng.

Nỗ lực để công việc tốt hơn mỗi ngày

Chú thích ảnh
 Anh Nguyễn Văn Long với công việc thiết kế tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Việt Hàn.

Tháng 8/2020, anh Nguyễn Văn Long là 1 trong 9 cá nhân được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng danh hiệu "Gương mặt tiêu biểu thành phố Hải Phòng" năm 2019. Năm 2018 và 2019, anh Nguyễn Văn Long đều được Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng bằng Lao động sáng tạo. Điều đặc biệt là chủ nhân của những tấm bằng khen này trưởng thành từ một công nhân kỹ thuật.

Nhớ lại những ngày đầu mày mò sáng tạo, anh Long cho biết, công việc thời điểm đó chỉ đòi hỏi bản thân hoàn thành việc bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, quản lý trang thiết bị nhà xưởng. Luôn khát khao tìm kiếm cái mới và tâm niệm làm ở vị trí nào cũng phải hoàn thành tốt nhất công việc, anh Long cùng các đồng nghiệp đã nỗ lực cải tiến quy trình sản xuất.

Theo anh Long, 100% sản phẩm của công ty đều là áo khoác xuất sang thị trường Mỹ nên mọi công đoạn đều phải làm tuyệt đối chính xác. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng đạt được yêu cầu. Trong quá trình hoàn thiện, có quá nhiều chi tiết khó như túi áo, cổ áo vì các chỗ này vải đều rất dày, 1 chi tiết cần đến 2 - 3 người làm và rất khó đạt được độ tinh xảo. Nếu có công cụ để công nhân may áp dụng đồng loạt thì sẽ tiết kiệm nhiều thời gian, sức lực và chi phí, đồng thời đáp ứng tiêu chí thẩm mỹ khắt khe của người tiêu dùng ở thị trường khó tính.

Với suy nghĩ đó, năm 2007, anh Long bắt đầu thử nghiệm làm những mô hình đầu tiên (bộ dưỡng). Thời gian đầu, người công nhân trẻ gặp khó khăn do chưa tính toán hết độ chính xác của từng chi tiết. Với sự đồng hành, hướng dẫn của đồng nghiệp là chị Cao Thị Hương, hai chị em đã dành rất nhiều thời gian thử nghiệm, chỉnh sửa các bộ dưỡng.

Đến năm 2011, anh Nguyễn Văn Long bắt đầu hoàn thiện các sáng kiến và được lãnh đạo công ty đưa các bộ dưỡng áp dụng đồng loạt trong sản xuất, tiêu biểu như bộ dưỡng túi 1 cơi được áp dụng, hàng năm tiết kiệm và làm lợi cho công ty 1,1 tỉ đồng; bộ dưỡng nẹp áo tiết kiệm đã làm lợi 700 triệu đồng; năm 2018 đến nay, bộ dưỡng 4 túi trên thân áp dụng vào công việc đã tiết kiệm và làm lợi cho doanh nghiệp gần 2 tỉ đồng mỗi năm. Các sáng kiến khác của anh Long như công cụ nhấn cúc, thiết kế các mẫu may trên máy vi tính... đều làm lợi cho công ty ít nhất từ 200 triệu đồng/năm trở lên.

Chị Đỗ Thị Tuyết, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Việt Hàn, đồng thời là người trực tiếp may sản phẩm cho biết: "Có những mẫu thiết kế mới, để hoàn thành công đoạn may túi phải cần từ 3 - 4 người cùng làm mà quá trình ráp ghép có thể không chính xác. Khi chúng tôi vừa trao đổi ý tưởng, rất nhanh chóng, anh Long đã chế tạo ra bộ dưỡng chỉ cần 1 người làm mà độ chính xác của các chi tiết ráp ghép gần như tuyệt đối".

Động lực từ sự tin tưởng, trao quyền 

Chú thích ảnh
Giám đốc Jeon Jung Suk và chị Cao Thị Hương, Quản đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Việt Hàn là hai người giúp đỡ để anh Nguyễn Văn Long phát huy khả năng sáng tạo, đề xuất sáng kiến.

Thành công của anh Nguyễn Văn Long đến từ sự nỗ lực của bản thân và sự khích lệ, tin tưởng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất của vị Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Việt Hàn Jeon Jung Suk.

Ông Jeon Jung Suk giới thiệu về nhân viên của mình: "Ở công ty, anh Nguyễn Văn Long là người giỏi kỹ thuật nhất. Người giỏi thứ hai là chị Cao Thị Hương, Quản đốc của Công ty. Thứ ba mới đến tôi".

Theo Giám đốc Jeon Jung Suk, khi công ty đi vào hoạt động từ năm 2003, có một chuyên gia phụ trách toàn bộ máy móc của công ty là người nước ngoài, sau đó vị này về nước. Nhận thấy anh Long là người tận tụy với công việc, luôn hoàn thành tốt việc quản lý và xử lý máy móc, trang thiết bị khi có vấn đề, năm 2012, Giám đốc Jeon Jung Suk đã giao anh Long quản lý hơn 1.000 máy may và các thiết bị khác của công ty và tạo điều kiện tối đa cho anh trong mọi công việc.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Kiến Thụy Hoàng Ngọc Minh chia sẻ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Việt Hàn là công ty lớn nhất trên địa bàn huyện Kiến Thụy. Lãnh đạo Công ty luôn chú trọng xây dựng môi trường làm việc thân thiện, vì người lao động, đặt hiệu suất, hiệu quả làm việc lên trên. Đây là yếu tố không thể thiếu, cộng với sự nỗ lực của bản thân đã giúp anh Nguyễn Văn Long từ một người công nhân bình thường trở thành người lao động có trình độ chuyên môn xuất sắc. Thành công của anh Nguyễn Văn Long không chỉ đóng góp vào sự phát triển của công ty mà còn lan tỏa niềm đam mê sáng tạo, tận tụy vì công việc, làm chủ công nghệ đến với những người lao động khác.

Bài và ảnh: Minh Thu (TTXVN)
Nữ Phó Giám đốc 'rèn' nên những công nhân giỏi tay nghề
Nữ Phó Giám đốc 'rèn' nên những công nhân giỏi tay nghề

Đào tạo những lao động phổ thông trở thành công nhân có tay nghề giỏi, đóng góp trí lực lâu dài cho đơn vị là công việc thầm lặng mà chị Văn Thị Xuân Lan, Phó Giám đốc Xí nghiệp may An Hưng, Công ty Cổ phần An Hưng (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã làm trong nhiều năm qua, tạo nhiều hiệu ứng tích cực trong Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ở đơn vị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN