Người thương binh 'hồi sinh' một dòng kênh

Cứ khoảng 7 giờ mỗi ngày, người thương binh 4/4 Nguyễn Ngọc Đức lại có mặt bên bờ kênh Chiến Lược đoạn phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Người thương binh Nguyễn Ngọc Đức đã góp phần hồi sinh dòng kênh Chiến Lược, đoạn qua phường Bình Trị Đông, Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Dừng chiếc xe máy cũ có kéo thêm chiếc thùng đựng rác bên bờ kênh, ông Đức vác chiếc vợt dài bước xuống mép kênh để bắt đầu công việc của mình. Sau hơn 2.000 ngày cần mẫn vớt rác ở dòng kênh này, ông Đức nắm rất rõ từng đoạn kênh nào sẽ cần đến mình nhất.

Đã hơn 6 năm qua, hình ảnh người đàn ông khắc khổ cần mẫn hàng ngày vớt rác trên dòng kênh Chiến Lược đã trở nên quen thuộc với người dân phường Bình Trị Đông và những người thường xuyên đi qua đây. Việc làm thầm lặng của người thương binh ấy không chỉ làm sống lại một con kênh chết, mà còn góp phần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho người dân trong khu vực. 

Chú thích ảnh
Buổi sáng mỗi ngày, ông Nguyễn Ngọc Đức vớt đầy chiếc thùng được rác có dung tích hơn nửa khối (ảnh chụp tháng 3/2020). 

“Con kênh đã khác xa so với hồi tôi mới bắt đầu vớt rác. Hồi xưa kênh rộng hơn, ít nhà dân hai bên bờ kênh, ít cầu qua kênh. Lúc đó, cỏ, cây dại mọc um tùm, kênh bốc mùi hôi, đen đặc đến mức nước không thể chảy vì đủ loại rác thải như túi nylon, xác động vật, rác sinh hoạt, kim tiêm, chai lọ, lá cây rụng xếp tầng tầng lớp lớp... Nay dòng nước đã được khơi thông, lượng rác cũng ít với chủ yếu là lá cây, túi nylon, bao gói đựng thức ăn, mấy ngày nay có thêm những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng”, ông Đức chia sẻ.

Vào mỗi buổi sáng, thường sau khoảng 3 giờ làm việc, khi cái thùng xe đầy rác, ông Đức lên xe chở rác đến khu tập kết bên kênh Tân Hóa, cách đó chừng 3 km, rồi về nhà nghỉ ngơi để buổi chiều tiếp tục công việc dọn rác. Khác buổi sáng, lượng rác thu gom buổi chiều sẽ không phải chở đến nơi tập kết rác, mà chờ chuyển cho các xe ô tô thu gom rác của Thành phố. Tuy đỡ mất công chở rác đi xa, ông Đức lại phải làm việc từ đầu giờ chiều trong cái nắng, nóng thường trực của thời tiết phương Nam. Hơn 6 năm qua, bất kể nắng, mưa, người cựu chiến binh này đã vớt hàng trăm tấn rác, giúp con kênh Chiếc Lược hồi sinh, góp phần làm môi trường thêm xanh, sạch.

Chú thích ảnh
 Sau hơn 2 giờ làm việc buổi sáng, ông Nguyễn Ngọc Đức chở số rác đã vớt trên kênh Chiến Lược đến nơi tập kết rác của Thành phố. 

Sinh năm 1954 tại Quảng Ngãi, năm 1977 ông Đức đi bộ đội. Năm 1982, Thượng sỹ Nguyễn Ngọc Đức phục viên trở về địa phương với nhiều vết thương sau những ngày chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Năm 1991, gia đình ông chuyển về sinh sống tại xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh (nay là phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân). Kể từ ngày xuất ngũ, người cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Ngọc Đức vẫn luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, giữ vững chuẩn mực tác phong của người lính Cụ Hồ trong cuộc sống, vừa chăm lo kinh tế gia đình, vừa tham gia các công việc xã hội tại địa phương mà điển hình là việc không quản ngại vất vả, nặng nhọc dọn sạch rác ở kênh Chiếc Lược.

Cơ duyên khiến người cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Đức - người được người dân trong vùng trìu mến gọi là “ông Đức vớt rác”, bắt đầu từ dịp cùng Hội Cựu chiến binh của phường tham gia dọn rác nơi công cộng nhân Ngày Môi trường Thế giới năm 2013. Sau một ngày ra quân dọn rác, dòng kênh Chiến Lược dường như không có cải thiện do lượng rác quá nhiều. Ông Đức đề nghị với Hội Cựu chiến binh và UBND phường để ông tiếp tục dọn sạch con kênh này.

Chú thích ảnh
Niềm vui bên cháu ngoại của ông Nguyễn Ngọc Đức sau giờ vớt rác. 

“Lúc đó kênh nhiều rác lắm. Tôi làm sạch từng đoạn một, vừa vớt rác, vừa vét bùn. Tới cả hơn nửa năm trời, tôi mới cơ bản khơi lại được dòng kênh. Thời đó sợ nhất là kim tiêm vứt dưới kênh.Tôi vừa vớt rác vừa cầu trời khấn Phật để mình không bị trúng vào nó. Rất may mấy năm qua tôi chỉ vài ba lần ngã xuống kênh, trúng mảnh chai, cây gẫy mà thôi”, ông Nguyễn Ngọc Đức nhớ lại.

Chính việc làm cần mẫn của ông đã góp phần thức tỉnh ý thức bảo vệ môi trường của người dân dọc bờ kênh. Giờ đây, người dân hai bên bờ kênh đã chủ động gom rác lại ở những nơi quy định để bớt phần nào công việc của ông Đức. Vừa bỏ bịch rác của gia đình lên thùng xe rác của ông Đức, bà Nguyễn Thị Lan, một người dân sống bên bờ kênh Chiến Lược cho biết, bà con ở đây thấy ông Đức ngày ngày cặm cụi dọn rác nên ai cũng thương. Ông Đức còn thường xuyên nhắc nhở mọi người gìn giữ vệ sinh môi trường, nên bà con cũng dần nâng cao ý thức và bảo nhau không đổ rác ra kênh. Biết khoản tiền phụ cấp thêm cho ông Đức cũng không có nhiều, nên mọi người khi thì chai nước, khi thì chút hoa quả biếu ông như một lời cảm ơn cho sự nhiệt tình không quản vất vả.

Ông Huỳnh Văn Sinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình Trị Đông cho biết, nhiều năm qua, ông Đức luôn là cựu chiến binh gương mẫu được đồng đội, người dân trong phường quý mến. Tuổi đã già nhưng ông Đức vẫn tích cực với công việc dọn rác, không chỉ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, mà còn góp phần thể hiện hình ảnh tốt đẹp và truyền thống anh hùng của những người lính Cụ Hồ sau khi trở về với đời thường.

Những việc làm giản dị mà ý nghĩa của ông đã nhận được sự ủng hộ từ chính gia đình. Khi được hỏi về công việc của cha mình, chị Nguyễn Thị Mãi (con gái ông Đức) nở nụ cười, chia sẻ: “Cũng thương cha tuổi già có bệnh mà vẫn làm công việc nặng nhọc, nhưng cũng phải chiều theo ý cha, vì đó là niềm vui của cha. Mong sao cho cha mạnh khỏe để sống cùng con, cháu và tiếp tục làm việc. Cha vẫn bảo tuổi già làm được việc gì tốt thì cố làm”.

Lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ với vết sẹo do trúng mảnh pháo thời quân ngũ, ông Đức tiếp lời cô con gái “Hồi ở bộ đội, chúng tôi đã được huấn thị về lời Bác Hồ dạy là việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng phải làm. Tôi là nông dân, quen với những việc nặng nhọc, lại đã từng bị thương trong chiến đấu, nên không có việc gì mà không làm được. Súng đạn còn không sợ thì sá gì mấy công việc này. Giờ chỉ cầu mong cho mình có sức khỏe để tiếp tục giúp bà con có được cuộc sống vệ sinh, sạch sẽ”.

Bài và ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Người thương binh hạng 4/4 lấy tiền trợ cấp để ủng hộ chống dịch COVID-19
Người thương binh hạng 4/4 lấy tiền trợ cấp để ủng hộ chống dịch COVID-19

Mặc dù đóng góp số tiền không lớn để cùng chia sẻ khó khăn với thành phố Hà Nội trong phòng chống dịch COVID-19, nhưng hành động của cụ Nguyễn Văn Tạ, thương binh hạng 4/4, ở xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) khiến không ít người cảm động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN