Anh dũng trong chiến đấu
Những ngày tháng 5, ánh nắng vàng xuyên qua những hàng cau khiến vùng quê Hải Đường trở nên lấp lánh, mộng mơ. Trong nhà người lính già Nguyễn Quang Hạnh, những hình ảnh về tuyến đường Trường Sơn hào hùng, bằng khen, tấm ảnh kỷ niệm cùng đồng đội được ông đặt ở nơi trang trọng nhất. Những kỷ vật khắc ghi một thời bộ đội oanh lửa đã góp phần giáo dục cho con cháu của ông về truyền thống anh hùng của dân tộc.
Đã ở tuổi 84, nhưng giọng kể về kỷ niệm về những cung đường Trường Sơn của ông Hạnh vẫn rất hào hùng.
Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên xứ đạo Nguyễn Quang Hạnh, khi đó 24 tuổi xung phong lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện học viên lái xe, ông được điều về công tác tại Đại đội công binh 31, Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 312. Tháng 7/1967, ông nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 35, Sư đoàn 471, Đoàn 559 vừa trực tiếp tham gia lái xe, vừa chỉ huy đoàn xe vận chuyển hàng hóa vào miền Nam.
Xác định rõ tuyến đường Trường Sơn là huyết mạch quyết định thành bại của cuộc kháng chiến, cả ta và địch đều tập trung vào con đường này. Địch ngày đêm càn quét, đánh phá không cho hậu phương miền Bắc chi viện vào chiến trường miền Nam. Bộ đội ta với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” luôn đảm bảo cho sự chi viện ấy được liên tục.
Đoạn đường B45, đường Trường Sơn, đi vào A Sầu, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế là cung đường mà tiểu đội xe của ông hoạt động vận chuyển lương thực, đạn dược chi viện cho chiến trường. Là đơn vị xe vận chuyển, ông xác định phải tổ chức đội hình xe hiệu quả nhập tuyến an toàn. Dưới mưa bom, bão đạn của quân địch, trong điều kiện thiếu tốn, đoàn xe đi qua nhiều trọng điểm phức tạp nhưng ý chí quyết tâm của những người lính không một phút sờn lòng.
Ông kể, tháng 11/1967, khi đó ông 26 tuổi, là lần đầu tiên ông tham gia nhập tuyến. Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ vận chuyển 6 khẩu pháo cao xạ 37 li nhập đường B45. Đường hành quân có nhiều đoạn khó khăn, đặc biệt phải kể đến điểm Cầu treo Bến Tắt bắc qua sông Bến Hải (trên địa bàn huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị ngày nay). Tại đây, chiếc xe đầu tiên của đơn vị bị rơi xuống sông tất cả lái xe đi sau đều hoang mang. Trên cương vị phụ trách, ông đã lên xe số 1 lái đưa xe và pháo nhập đường an toàn, củng cố lòng tin và động viên tinh thần đồng đội.
Cũng trong lần hành quân đó, khi tới ngã ba đường 128 (tuyến bắt đầu từ chân đèo Mụ Giạ, tỉnh Khăm Muộn, Lào kéo dài đến Bù Gia Mập thuộc tỉnh Bình Phước) đội xe của ông bị máy bay OV10 của địch (máy bay trinh sát hiện đại khi đó) phát hiện. Chiếc xe đi đầu bị bắn xẹp lốp, lái xe bị thương nặng. Ông đã lên chiếc xe đó tiếp tục lái, yêu cầu pháo thủ hạ thấp nòng và dùng bạt, cành cây khô để ngụy trang tránh sự đeo bám của máy bay địch. Sự sáng tạo của ông đã giúp đơn vị đưa 6 khẩu pháo đến bàn giao an toàn.
Đó chỉ là một trong vô vàn kỷ niệm oanh liệt suốt những năm tháng “bon bon” trên những nẻo đường Trường Sơn mà ông Hạnh và đồng đội đã trải qua. Những người lính Trường Sơn ngày ấy, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sốt rét, mưa rừng cũng không nhụt chí để đường Trường Sơn thông suốt, giải phóng đất nước, non sông liền một dải.
Gương mẫu thời bình
Năm 1973, ông Nguyễn Quang Hạnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì có nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1975, ông chuyển công tác về một số đơn vị, sau đó làm Giám đốc Xí nghiệp cung ứng vật tư vận tải đường bộ (thuộc Bộ Quốc phòng). Ở lĩnh vực, vị trí công tác nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật mang lại lợi ích lớn cho đơn vị.
Năm 2010, cả nước bắt đầu xây dựng nông thôn mới. Xã Hải Đường quê hương ông được chọn là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chương trình này. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông Hạnh cũng đi đầu trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với người dân.
Ông Hạnh cho rằng, nông thôn mới là một chủ trương lớn của nhà nước, giúp cho đời sống, kinh tế của người dân nông thôn thay đổi. Do đó, gia đình ông đã tự nguyện hiến 120m2 đất để làm đường giao thông nội đồng.
Năm 2017, nhân dân trong thôn làm lại đường giao thông liên xóm, ông cũng tự nguyện lùi tường, lùi cổng của gia đình, hiến 75m2 đất mở rộng con đường của xóm từ 3m lên 6m. Đồng thời, ông đóng góp 15 triệu đồng cùng thôn lắp hệ thống điện chiếu sáng trong ngõ.
Ông Hạnh chia sẻ, trước đây con đường trong thôn khá hẹp, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là thời điểm nông vụ, bà con đi lại tránh nhau rất bất tiện. Nay các con đường vào thôn đều được mở rộng, mọi người đều được hưởng lợi.
Bí thư Đảng ủy xã Hải Đường Phạm Thế Doanh nhấn mạnh, thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới của xã phải kể đến sự đồng lòng, ủng hộ của người dân trong đó tiêu biểu như ông Hạnh. Ông không chỉ trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của nhà nước mà còn đi đầu trong việc tự nguyện ủng hộ, góp công, góp của cùng địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Việc làm của gia đình ông đã lan tỏa trở thành phong trào tại địa phương, huy động sức mạnh toàn dân xây dựng nông thôn mới để ngày nay Hải Đường trở thành địa phương tiêu của của cả nước trong phong trào này, được các đia phương khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.