Mở tương lai tươi sáng cho học sinh nghèo vượt khó

Thời gian qua, thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, bằng trách nhiệm và tình cảm, các đơn vị Bộ đội Biên phòng trên các tuyến biên giới đã nhận đỡ đầu hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều cháu học sinh đã có cơ hội để thay đổi số phận khi được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường và đặc biệt là được sống trong tình yêu thương của những người lính Biên phòng. Việc làm ý nghĩa này đã để lại tình cảm quý trọng, tin yêu trong lòng nhân dân.  Và cũng từ đây, thế trận lòng dân, nghĩa tình quân dân nơi biên cương Tổ quốc ngày càng vững chắc, bền chặt.

Chắp cánh ước mơ

Chú thích ảnh
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình biểu dương thành tích của Nguyễn Anh Vũ khi đậu vào Học viện Biên phòng. Ảnh: TTXVN phát

Nguyễn Anh Vũ (18 tuổi) là cậu học trò nghèo ở vùng biển xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ nhỏ, Vũ sống nương tựa cùng cụ ngoại và bà ngoại già yếu. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi nhưng Vũ luôn chăm ngoan và rất ham học.

Để giúp Nguyễn Anh Vũ vững tin trên con đường đến trường, năm 2019, Đồn Biên phòng Roòn (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) quyết định đón, nhận nuôi em tại đơn vị. Hành trình 5 năm đỡ đầu của những người lính Biên phòng đã góp phần thay đổi số phận Vũ, giúp em hiện thực hóa ước mơ đỗ vào trường Học viện Biên phòng. Thành tích đáng tự hào ấy của Vũ là “trái ngọt” yêu thương mà cậu học trò nghèo làng biển tri ân, dành tặng gia đình và những “bố nuôi” Đồn Biên phòng Roòn.

Theo Thiếu tá Nguyễn Sơn Bình, Chính trị viên Đồn Biên phòng Roòn, từ ngày là “con nuôi” của Đồn Biên phòng Roòn, Vũ cũng trở thành một “chiến sỹ nhí” của đơn vị, dần quen đời sống quân ngũ với các chế độ sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ… theo nề nếp, đúng quy định. Trong môi trường mới, Vũ không chỉ được chăm sóc, dạy bảo mà còn nhận được sự quan tâm, che chở và tình yêu thương của các “bố nuôi” trong đơn vị. Kết quả học tập của Vũ cũng có bước tiến vượt trội, nhất là những năm cuối cấp, em đạt thành tích xuất sắc và được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Theo Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, trong thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”, năm học 2024 - 2025, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình nhận nuôi dưỡng, hỗ trợ gần 100 cháu thuộc 2 chương trình trên. Cụ thể, có 21 cháu là "con nuôi" tại các Đồn Biên phòng và 77 cháu được nhận đỡ đầu, giúp đỡ, trong đó có 14 cháu là học sinh người Lào.

Cũng như Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, bằng trách nhiệm, tình cảm với đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã nhận đỡ đầu và trực tiếp nuôi dưỡng tại đơn vị hàng trăm cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”.

Ở trong đơn vị, các cháu được bố trí chu đáo nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt, có góc học tập riêng và đầy đủ đồ dùng sinh hoạt cần thiết. Hằng ngày, chỉ huy Đồn phân công cán bộ trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc, đưa đón các cháu tới trường. Có nhiều cháu đã thi đỗ cao đẳng, đại học, mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng cho bản thân và gia đình.

Như trường hợp hai anh em Sồng Lao Cường, Sồng Lao Việt, dân tộc Mông, đều ở bản Suối Cút, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, đã được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On đưa về đơn vị nuôi ăn học vào năm 2019 đến nay. Kể về những người “cha nuôi” ở Đồn Biên phòng, em Sồng Lao Cường (16 tuổi) xúc động nói: Cháu năm nay đang học lớp 10, Trường THPT Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La, còn Việt bước vào lớp 8. Ở trong đơn vị, hai anh em cháu được các chú bộ đội bố trí chu đáo nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt, có góc học tập riêng và đầy đủ đồ dùng sinh hoạt cần thiết. Hằng ngày, Chỉ huy Đồn phân công cán bộ trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc, đưa đón các cháu tới trường.

“Hai anh em cháu vui lắm. Hàng ngày được các chú Bộ đội Biên phòng dạy học, sáng ngủ dậy được học võ thuật. Thời gian rảnh rỗi thì được các chú hướng dẫn làm vườn tăng gia cải thiện đời sống. Ước mơ của chúng cháu sau này sẽ là bộ đội để bảo vệ quê hương của mình như các bố, các chú Biên phòng”, Sồng Lao Cường chia sẻ.

Theo Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, thực hiện mô hình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”, năm 2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiếp tục đưa về đồn chăm sóc, nuôi dạy 9 học sinh tại 5 đồn Biên phòng, đỡ đầu 49 học sinh ở khu vực biên giới, trong đó có 10 học sinh Lào. Nhờ sự chăm sóc, đỡ đầu của Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhiều em đã tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm 2024.

Chú thích ảnh
Bộ đội biên phòng Đồn Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) trong buổi bổ túc thêm kiến thức cho em Tràng Thị Tro, lớp 11, là con nuôi của đồn ở bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Lan toả ý nghĩa nhân văn

Triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, thời gian qua, các đơn vị Bộ đội Biên phòng trên các tuyến biên giới đã nhận đỡ đầu hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cháu học sinh đã có cơ hội để thay đổi số phận khi được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường và đặc biệt là được sống trong tình yêu thương của những người lính Biên phòng.

Theo Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chương trình “Nâng bước em tới trường” được Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện từ năm 2016, tính đến năm 2024, Chương trình đã hỗ trợ được 22.459 lượt cháu học sinh. Chương trình Con nuôi đồn Biên phòng được triển khai thực hiện từ năm 2019, tính đến nay đã nhận nuôi 1.979 lượt cháu. Tổng kinh phí hỗ trợ các cháu trong hai chương trình đến nay là khoảng 200 tỷ đồng.

Riêng trong năm học 2024 - 2025, chương trình Nâng bước em tới trường đang nhận hỗ trợ 2.273 cháu, trong đó có 77 cháu là người Lào, 101 cháu là người Campuchia. Chương trình Con nuôi đồn Biên phòng nhận nuôi 338 cháu, trong đó nuôi 152 cháu tại đồn Biên phòng, 186 cháu tại nhà.

Được sống trong tình yêu thương của những người lính Biên phòng, được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường, nhiều cháu học sinh đã có cơ hội để thay đổi số phận. Điều đó thể hiện qua kết quả 383 cháu đã thi đỗ, theo học và tốt nghiệp các trường Đại học, Trung cấp, Cao đẳng trong thời gian qua.

Việc làm ý nghĩa của người lính quân hàm xanh đã tạo sự lan tỏa rộng khắp, từ đó, huy động nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm cùng chung tay chăm sóc các mầm non tương lai của đất nước. Việc làm ý nghĩa này cũng góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tổng quát trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là “xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước”.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Hỗ trợ người lao động, học sinh nghèo đón Tết đầm ấm, vui tươi
Hỗ trợ người lao động, học sinh nghèo đón Tết đầm ấm, vui tươi

Dịp Tết Nguyên đán 2025, các địa phương đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó đón Tết đầm ấm, vui tươi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN