Đây cũng là mô hình điển hình sẽ được báo cáo tại Đại hội Phụ nữ tiêu biểu toàn quốc lần thứ XII, tổ chức ngày 7/3/2017, tại Hà Nội.
Mỗi tháng, hội viên chi hội Phan Đình Phùng đóng góp 300.000 đồng để làm nguồn quỹ cho chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn làm ăn. |
Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết: “Sau khi thôi giữ cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, tôi về địa phương tham gia sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ Phan Đình Phùng.
Trong quá trình dạy học và hoạt động tại phường, tôi nhận thấy vẫn còn có những học sinh, những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn. Vì thế, tôi động viên chị em trong chi hội mỗi tháng khi đến kỳ lĩnh lương, trích ra 300.000 đồng làm quỹ hội. Quỹ này sẽ cho những chị em đang cần chi phí để sửa nhà, chữa bệnh… có thể vay mà không cần thế chấp, không mất tiền lãi hàng tháng.
Đến hết năm, chi hội tổng kết và gửi lại chị em số tiền mọi người đã đóng góp trong cả năm để có thêm chi phí tiêu Tết. Khởi điểm chỉ có 12 người tham gia. Sau 3 năm hoạt động, hiện nay quỹ tiết kiệm của Chi hội Phan Đình Phùng đã có gần 100 người tham gia, trong đó có những gia đình cả mẹ, cả con cùng góp quỹ”.
Từ hoạt động tương trợ, những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn được chi hội hết sức quan tâm. Chị Phạm Thị Kim sau khi bị tai biến phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt hoàn toàn phụ thuộc vào chồng. Trong khi đó, chồng chị làm bảo vệ với lương tháng 3.000.000 đồng. Do đó, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Năm 2014, chi hội đã hướng dẫn gia đình chị Kim làm đơn đề nghị phường hỗ trợ, mỗi tháng được 350.000 đồng. Hiện chi hội đang đề xuất phường hỗ trợ chị Kim mỗi tháng 600.000 đồng.
Từ mô hình 3 tốt, bà Nguyễn Thị Hòa đã cùng chi hội vận động các hội viên quan tâm đến gia đình có hoàn cảnh khó khăn. |
Không chỉ tương trợ tốt, Chi hội Phụ nữ Phan Đình Phùng còn có những hoạt động tích cực, hữu ích khác. Để hướng dẫn chị em thực hành tiết kiệm điện, nước, khí đốt, bà Nguyễn Thị Hòa đã giao cho hội viên Nguyễn Phương Thảo đang công tác tại Nhà máy X46 tìm các tài liệu trực quan như tắt bóng đèn khi không sử dụng, vặn chặt vòi nước sau khi dùng tránh nước bị rò rỉ; bỏ đồ ăn ra khỏi tủ lạnh, đậy vung trong khi đun nấu để tiết kiệm khí đốt.
Bà Hòa cho rằng, muốn động viên học sinh chăm ngoan, học giỏi, không gì tốt bằng khen thưởng. Theo đó, bà Hòa đã động viên các chị em có điều kiện kinh tế khá, mỗi dịp nghỉ hè sẽ đóng thêm tiền quỹ để tặng quà cho các học sinh giỏi, mỗi suất 50.000 đồng. Số tiền tuy nhỏ nhưng các cháu được tuyên dương trước tổ dân phố nên tinh thần phấn khởi được nhân lên. Cháu nọ theo gương cháu kia nên ở chi hội hàng năm, có từ 35-40 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết, bà rất bất ngờ khi sáng kiến của mình lại trở thành “đốm lửa” để nhân lên phong trào 3 tốt trên toàn thành phố. Chị tâm sự: “Là phụ nữ, hàng ngày ai cũng phải làm những công việc đó. Chỉ cần một chút nhẫn nại, kiên trì, vì những người xung quanh mình thì ai cũng có thể làm được”.
Từ sáng kiến của bà Nguyễn Thị Hòa, đến nay thành phố Hải Phòng đã có gần 400 chi hội triển khai mô hình “3 tốt”. Mỗi chi hội mạnh về từng việc tốt khác nhau.
Tại quận Lê Chân, phong trào tiết kiệm tốt triển khai theo cách hàng tháng các hội viên báo số tiền điện, nước, khí đốt về cho chi hội trưởng. Nếu tháng tiếp theo, mỗi hóa đơn tiết kiệm hơn được từ vài nghìn đến vài chục nghìn, các chị sẽ góp tiền đó vào lợn tiết kiệm của chi hội để giúp đỡ những người khó khăn hơn. Mô hình này sẽ được phụ nữ Hải Phòng tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới.