Truyền thống làm việc nghĩa
Gần chục ngày nay, người dân xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội tất bật thâu đêm suốt sáng để gói, nấu bánh chưng gửi tặng đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ. Cả xã có gần chục điểm tổ chức gói bánh, cả nhà dân và nhà văn hóa xã. Không kể ngày đêm, không kể già, trẻ, người cắt lá dong, người vo gạo nếp, người chuẩn bị nhân thịt đỗ, những người khác thì gói bánh, luộc bánh... Tất cả đều chung sức, đồng lòng, gửi tình cảm của mình vào những chiếc bánh chưng bé nhỏ giúp đỡ đồng bào miền Trung đang oằn mình chống chọi với nước lũ.
Ông Tạ Công Luận, Bí thư Đảng ủy xã La Phù cho biết, tính đến nay, người dân xã La Phù đã gói và vận chuyển vào các tỉnh miền Trung khoảng 15.000 chiếc bánh chưng. Số bánh chưng được vận chuyển làm nhiều đợt, ghép cùng với những chuyến xe chở lương thực, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân vùng ngập lụt. Để hàng hóa đến được tận tay người dân đúng địa chỉ, không lãng phí, không bị bỏ lâu dẫn đến hư hỏng, các nhóm thiện nguyện của xã đã cử 10 người vào vùng lũ, đón hàng từ La Phù vào và phối hợp với chính quyền địa phương cấp phát đúng địa chỉ cho người dân.
"Không chỉ trong đợt này người dân xã La Phù mới làm thiện nguyện. Cứ biết nơi nào trên đất nước có đồng bào đang gặp khó khăn, hoạn nạn là người dân La Phù bảo nhau góp công, góp của. Người giàu có góp nhiều, người nghèo góp ít, không cần ai phải hô hào thành phong trào. Lại cũng có người góp nồi cháo, ấm nước để động viên, chia sẻ nỗi vất vả của những người ngày đêm gói, nấu bánh chưng. Cứ như thế, già, trẻ đều sắp xếp thời gian chung tay làm việc nghĩa", ông Tạ Công Luận cho biết thêm.
Vừa thoăn thoắt gói bánh, buộc lạt, bà Nguyễn Thị Hà, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Minh Khai (xã La Phù) cho biết, những người tham gia gói bánh không chỉ là những người trong xã mà có cả những người tỉnh khác, huyện khác. Họ đến lấy hàng, thấy bà con đang gói bánh cũng sẵn sàng xúm vào, mỗi người một tay.
"Nhiều người bảo, chuyện dân La Phù làm từ thiện vốn đã được nghe từ lâu, nên hễ có dịp đến La Phù, họ sẵn sàng hỗ trợ. Cũng có người thắc mắc làm thế nào để duy trì được truyền thống tốt đẹp này, chúng tôi chỉ nói cần công khai, minh bạch mọi khoản đóng góp, thế là dân tin, dân sẽ làm", bà Hà vui vẻ cho biết.
Nhiều người dân trong xã cho biết, từ vài năm nay, Câu lạc bộ Sống để yêu thương do bà Nguyễn Thị Hà làm chủ nhiệm đã tổ chức nấu cháo từ thiện hàng tuần, phát cho các bệnh nhân của Bệnh viện K và Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Cứ ba lần một tuần, những thành viên tham gia câu lạc bộ đều tự nguyện góp lương thực và tham gia nấu cháo.
"Dân La Phù làm nhiều nhưng không chịu kể. Nhiều năm gần đây, các cấp chính quyền vẫn thường xuyên tổ chức tuyên dương các điển hình trong phong trào người tốt việc tốt nhưng phải rất mất công thuyết phục. Nhiều người dân bảo họ chỉ biết làm thôi và chưa bao giờ làm để được tuyên dương", ông Tạ Công Luận cho biết thêm.
Năng động làm kinh tế
Không chỉ được biết đến với truyền thống làm việc nghĩa, nhắc đến La Phù, người ta thường nghĩ đến "thủ phủ bánh kẹo" và các mặt hàng dệt len xuất khẩu. Theo lời kể của Bí thư Đảng ủy xã La Phù Tạ Công Luận thì đất này xưa kia vốn có nghề dệt truyền thống nổi tiếng. Sau năm 1954, người dân La Phù tỏa đi khắp nơi buôn bán, lĩnh hội nhiều nghề. Trong những giai đoạn nghề dệt bị phai mờ, nhờ tính năng động, người dân La Phù đã xoay chuyển qua nhiều nghề. Từ làm tinh bột để nấu nha rồi sau này sản xuất bánh kẹo. Thế rồi nghề dệt hưng thịnh trở lại, nhiều hộ gia đình mở xưởng, thành lập công ty sản xuất các sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Không chỉ phát triển nghề dệt, người dân La Phù còn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, phát triển nghề làm bánh kẹo để nhận những đơn đặt hàng lớn tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang các một số nước khác. Hai nghề song song cùng phát triển mạnh mẽ đã tạo việc làm cho nhiều người dân trong xã và cả các địa phương lân cận.
Anh Nguyễn Viết Ninh, chủ một xưởng nhỏ gồm 10 máy dệt cho biết, cũng có giai đoạn nghề dệt bị sụt giảm do không có thị trường, không cạnh tranh được với hàng giá rẻ từ bên ngoài, anh đành tạm thời làm nghề khác để lấy vốn cầm cự, quyết tâm giữ nghề bằng được nghề truyền thống.
"Theo xu thế chung, tôi đã đầu tư máy móc hiện đại, thay thế máy thủ công. Nhờ vậy, hàng hóa làm ra có chất lượng, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Các nhân viên cũng có việc làm, thu nhập ổn định, yên tâm làm nghề", anh Ninh cho biết thêm.
Với quy mô lớn hơn với 34 máy dệt tự động, các sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Phương - một doanh nghiệp "đầu tàu" của xã La Phù trong lĩnh vực hàng dệt kim xuất khẩu, đã có mặt tại thị trường nhiều nước châu Âu, châu Á và cả Mỹ.
Anh Nguyễn Vũ Tâm, Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Phương cho biết, với gần 1.000 sản phẩm/ngày, công ty đang tiêu thụ ổn định song song cả thị trường trong nước và nước ngoài. Do đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại nên số lượng công nhân hiện nay chỉ khoảng 100 người với mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Thành công với hai nghề chính là sản xuất bánh kẹo và dệt may, tính đến hết tháng 9/2020, toàn xã có 155 công ty, doanh nghiệp và 522 hộ cá thể sản xuất kinh doanh. Lao động làng ước khoảng 12.000 người, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn xã cơ bản ổn định. Tổng thu ngân sách xã 9 tháng năm 2020 đạt trên 11.800 tỷ đồng, bằng 142,7% so với nghị quyết Hội đồng nhân dân xã giao.
Theo ông Tạ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã La Phù, trong 3 tháng cuối năm 2020, xã La Phù phấn đấu tổng giá trị sản xuất hàng công nghiệp, thương mại dịch vụ đạt 100% kế hoạch đề ra, trong đó khuyến khích, ưu tiên việc phát triển nghề mới, mở rộng nghề truyền thống. Đồng thời, xã sẽ tiếp tục động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, thu hút nhiều lao động đến tham gia sản xuất tại địa phương.