Chị Lâm Thị Nga là người rất lạc quan với nụ cười thường trực trên môi.
Sinh ra khỏe mạnh, bình thường nhưng đến năm 6 tuổi, sức khỏe của chị Lâm Thị Nga yếu dần đi, chân tay bắt đầu teo và co quắp, không đi lại được. Gia đình đưa chị đi điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh tình của chị ngày càng nặng khiến lưng bị gù, chèn ép vào phổi gây khó thở, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt cá nhân. Thời gian điều trị bệnh kéo dài nhiều năm nên chị không được đi học như các bạn cùng trang lứa. Nhưng với nghị lực phi thường, chị đã nỗ lực tự học chữ, học nghề, tự lo cho cuộc sống và còn tạo việc làm, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Lâm Thị Nga chia sẻ, lúc nhỏ, chị tự học ở nhà, biết đọc, biết viết thành thạo. Khi lớn lên, chị làm nhiều công việc như thêu gia công, hoàn thiện sản phẩm mỹ ký… nhưng vì không thể tự đi lại, phải nhờ người thân hằng ngày lấy và trả hàng, rất bất tiện.
Gia đình đã mua cho chị một chiếc xe lăn. Tuy nhiên, xe lại không hoàn toàn phù hợp với chị, phải chỉnh sửa rất nhiều vì được làm theo mẫu có sẵn, trong khi mỗi người khuyết tật có nhu cầu khác nhau. Từ đó, chị nảy ra ý tưởng thiết kế xe lăn riêng, phù hợp với từng dạng khuyết tật.
Đúng lúc ấy, trong một chuyến tham gia thiện nguyện, chị có cơ duyên gặp anh Vũ Xuân Quang (quê Thái Bình), một thợ cơ khí cũng có ý tưởng sản xuất xe dành cho người khuyết tật. Với 20 triệu đồng vốn ban đầu, anh chị bắt tay vào làm thử nghiệm. Chị thiết kế kiểu dáng, chọn phụ tùng sao cho phù hợp, còn anh Quang đảm nhận phần cơ khí, phần điện giao cho một số người khuyết tật có tay nghề.
Ban đầu, mọi thứ rất khó khăn, khi sản phẩm dễ bị hỏng hóc, sai sót nhưng nhờ kiên trì và rút kinh nghiệm qua từng sản phẩm, xưởng sản xuất đã dần hoàn thiện quy trình sản xuất. Giờ đây, chỉ cần khách hàng cung cấp thông tin cơ bản như cân nặng, chiều cao, dạng khuyết tật…, cơ sở của chị sẽ tạo ra một chiếc xe phù hợp, giúp họ dễ dàng di chuyển trong nhà và tham gia giao thông mà không cần phụ thuộc vào người khác. Hơn thế, xưởng luôn cố gắng thiết kế sản phẩm chất lượng với giá thành thấp hơn xe nhập khẩu khoảng 6-7 triệu đồng, linh kiện cũng dễ thay thế.
Khi quy trình sản xuất hoàn thiện, chất lượng, mẫu mã sản phẩm được cải thiện thì xưởng của chị lại đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng sản phẩm chưa có thương hiệu. Nhưng dần dần, bằng những sản phẩm chất lượng, tiếng lành đồn xa, xưởng của chị nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn.
Qua mỗi lần gặp gỡ, tư vấn cho khách hàng, chị cũng hiểu thêm nhu cầu của khách để điều chỉnh thiết kế. Bên cạnh đó, chị cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của cấp ngành, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người khuyết tật trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, thương hiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm… Nhờ đó, năm đầu tiên, trung bình mỗi tuần, xưởng của chị chỉ sản xuất được một chiếc xe. Giờ đây, có những ngày chị giao 3-4 xe. Hiện, xưởng sản xuất của chị đang tạo việc làm cho 5 lao động khuyết tật nhẹ. Ngoài ra, hằng năm, xưởng trích ra 10% thu nhập để thực hiện các hoạt động thiện nguyện như tặng xe lăn, phát sữa hằng tuần ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam…
Chị Lâm Thị Nga chuẩn bị gửi chiếc xe ba bánh vừa hoàn thành cho khách hàng ở tỉnh Đắk Lắk.
Chị Nga tâm sự, hơn ai hết, chị hiểu rằng, rào cản lớn nhất của người khuyết tật vận động chính là việc đi lại. Chiếc xe lăn, xe ba bánh được ví như đôi chân thứ 2 của người khuyết tật, giúp họ tự tin trong sinh hoạt hằng ngày và tìm được công việc phù hợp để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trước đây, chị thường tham gia các hoạt động quyên góp quần áo, sách vở hỗ trợ trẻ em vùng cao. Nhưng hiện nay, sức khỏe không còn tốt như trước, một bên phổi đã bị hỏng do cột sống chèn ép, nên chị chỉ có thể làm từ thiện gần nhà. Nhưng dù ở đâu, chị vẫn luôn cố gắng giúp đỡ những người xung quanh, bởi đó là cách chị tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống.
Anh Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam cho biết, chị Lâm Thị Nga là một tấm gương sáng về nghị lực vượt lên số phận. Tiếp xúc với chị, mọi người đều cảm nhận được sự chân thành, tinh thần lạc quan với nụ cười luôn nở trên môi. Khi xưởng sản xuất của chị Nga được thành lập, những người khuyết tật phải sử dụng xe lăn, xe ba bánh được thuận lợi hơn rất nhiều khi cần mua mới hoặc sửa chữa vì không phải đi xa như trước. Không chỉ nỗ lực trong công việc, chị Nga còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo.
Những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, sự chia sẻ giúp đỡ mọi người của chị Lâm Thị Nga đã nhận được sự ghi nhận từ các cấp, ngành, tiêu biểu như: Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam vì những đóng góp tích cực trong phong trào phụ nữ tại địa phương. Năm 2024, chị được biểu dương tại chương trình “Học và làm theo Bác” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, vinh dự hơn nữa là chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.