Giúp người nghèo giảm bớt gánh nặng mưu sinh

Dù thời tiết không ủng hộ nhưng người dân nghèo Thừa Thiên – Huế vẫn đến các điểm phân phát gạo miễn phí trên địa bàn tỉnh. Nhiều người phấn khởi với những bao gạo trên tay. Dù phần quà không lớn nhưng là nguồn động viên cho bà con vượt qua khó khăn, giảm bớt gánh nặng mưu sinh trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Khởi động 3 "ATM gạo"

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện giãn cách đúng quy định khi đi nhận gạo tại "ATM gạo" ở Thừa Thiên - Huế.

Ngày 14/4, tại Trung tâm Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, một chiếc máy phát gạo miễn phí đã được nhóm hảo tâm của tỉnh nghiên cứu lắp đặt. Nhiều người dân xứ Huế gọi đó là “ATM gạo” bởi chỉ cần một cái nhấn nút, họ sẽ dễ dàng nhận được 2 kg gạo từ chiếc máy tự động.

Máy ATM gạo này là ý tưởng của các giảng viên một số trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bao gồm Đại học Dân lập Phú Xuân, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Công nghiệp Huế và được Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giải pháp Công nghệ 1A hỗ trợ, lắp đặt.

Mô hình thiện nguyện được triển khai trong mùa dịch nên có nhiều điểm đặc biệt riêng. Mọi người đến đây đều được yêu cầu đeo khẩu trang, giãn cách đúng quy định và đặc biệt, để tránh lây nhiễm bệnh, tất cả bà con đều có ý thức rửa tay sát khuẩn, dùng chân để nhấn nút lấy gạo.

Bà Trần Thị Sen, phường Xuân Phú, thành phố Huế cho biết, bà đã không có việc làm suốt hơn 2 tháng nay, thu nhập không có, gia đình lại là hộ nghèo, vì vậy những ngày này, gia đình bà chật vật với cuộc sống mưu sinh. Hôm nay, được hàng xóm giới thiệu, bà tìm đến ATM gạo ngay từ sớm. Với 2 kg gạo nhận được, bà vui mừng vì nó sẽ giải quyết 2 ngày ăn trong gia đình.

Với phương châm “Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”, nhóm thiện nguyện thực hiện mô hình ATM gạo để những bao gạo được trao đi đến đúng với những người dân thật sự cần trong mùa dịch.

Anh Nguyễn Đăng Hậu, thành viên nhóm thiện nguyện chia sẻ: Ban đầu, nhóm chỉ thực hiện phát gạo tại trường Đại học Dân lập Phú Xuân (Thành phố Huế) nhưng nhu cầu cần hỗ trợ của bà con rất lớn, bên cạnh đó, nhiều nguồn đóng góp của các "mạnh thường quân" đã tạo động lực để nhóm thực hiện thêm mô hình tại 2 địa điểm khác. Đó là trường Cao đẳng Công nghiệp Huế và Trung tâm Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế. Việc triển khai ATM gạo tại 3 địa điểm giúp bà con giãn cách đảm bảo an toàn trong mùa dịch theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Với nguồn gạo kêu gọi được gần 20 tấn, dự kiến nhóm thiện nguyện sẽ đủ phát cho các bà con cho đến 20/4. Mỗi ngày, mỗi điểm sẽ phát tự động khoảng 500 - 700 suất.

Siêu thị hạnh phúc với các mặt hàng giá 0 đồng

Chú thích ảnh
Người dân nghèo trải nghiệm “Siêu thị hạnh phúc 0 đồng” tại Thừa Thiên - Huế.

Dù trời mưa, nhiều người dân khó khăn tại huyện Hương Thủy và các khu vực lân cận vẫn trật tự đứng xếp hàng để đợi đến lượt trải nghiệm việc mua sắm các mặt hàng với giá 0 đồng tại Khu đô thị APEC Royal Park Huế (Thủy Vân, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế).

Đôi tay ông Đào Mẫn, trú tại xã Phú Hậu, huyện Phú Vang lạnh run cầm bao gạo nhưng vẫn nở nụ cười hạnh phúc vì hôm nay, ông “mua” được 6 kg gạo cùng một số gia vị nước mắm, dầu ăn. “Chỉ cần cầm thẻ hộ nghèo đến đây rồi ai cũng sẽ có phần. Ai khó khăn hơn thì mọi người sẽ ưu tiên cho những người đó” - ông Mẫn chia sẻ. 

“Siêu thị hạnh phúc” phục vụ đa dạng các mặt hàng mua sắm, bao gồm thực phẩm, nhu yếu phẩm, quần áo, sách… đủ để người dân có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh được thoải mái lựa chọn. Các gian hàng trình bày đơn giản, mỗi khách hàng tham gia mua sắm sẽ được chọn 5 sản phẩm khác nhau với tổng giá trị cho mỗi lần “mua sắm 0 đồng” là 100.000 VNĐ và tối đa 2 lần/tháng.

Cũng như mô hình “ATM gạo”, “Siêu thị hạnh phúc” cũng trang bị nhiều dung dịch nước rửa tay sát khuẩn cho bà con trước khi tham gia mua sắm. Mọi người cũng được khuyến cáo tự giác đeo khẩu trang, giữ khoảng cách đảm bảo 2 mét với người kế bên để đảm bảo an toàn cho mọi người dân người đến trải nghiệm. 

Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương APEC Group tại Thừa Thiên - Huế cho biết, để tránh tình trạng người dân tập trung cùng một lúc, đơn vị đã phối hợp với địa phương phân bổ, bố trí người dân từng xã đến mua sắm vào những khung giờ khác nhau.

“Siêu thị hạnh phúc” tại Thừa Thiên - Huế là một trong những hoạt động thuộc “Chuỗi Siêu thị hạnh phúc 0 đồng” do Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương Apec Group thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Huế, Phú Yên). Các sản phẩm được bán tại các siêu thị được sử dụng từ nguồn ủng hộ 6 tỷ đồng của APEC Group. 

Những món quà ý nghĩa từ các "mạnh thường quân" này đã góp phần hỗ trợ những mảnh đời khó khăn vượt qua gian khó; lan tỏa những thông điệp yêu thương, tinh thần dân tộc “lá lành đùm lá rách” để không một ai bị bỏ lại phía sau bởi dịch bệnh. 

Một hành động ý nghĩa khác được người dân Thừa Thiên - Huế vui mừng, hưởng ứng hôm nay, đó là, miễn, giảm giá nước sạch sinh hoạt trên toàn địa bàn tỉnh trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6/2020).

Theo đó, chiều 14/4, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã ký ban hành Quyết định số 973/QĐ-UBND về việc miễn, giảm giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo sẻ chia khó khăn bằng việc miễn tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt. Các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 và cơ sở thực hiện hoạt động khám, chữa và điều trị bệnh dịch COVID-19 cũng được miễn tương tự.

Đối với cho các cá nhân, hộ gia đình có hợp đồng cung cấp nước sạch với Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên Huế được giảm 10% giá nước sạch sinh hoạt.

Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; các tổ chức nhân đạo sẽ được Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế xem xét, quyết định giảm giá nước sạch phi sinh hoạt theo quy định.

Bài và ảnh: Mai Trang (TTXVN)
'ATM gạo nghĩa tình' ấm lòng người nghèo vùng đất Tây Nguyên
'ATM gạo nghĩa tình' ấm lòng người nghèo vùng đất Tây Nguyên

Từ ngày 13/4, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk phối hợp một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đưa máy “ATM gạo nghĩa tình” vào hoạt động tại Đường sách Cà phê, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN