Nghệ nhân Đinh Quang Trị (ảnh), 68 tuổi, dân tộc H’re, ở thôn Mang Lùng 2, xã Ba Tô, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã mang tới một luồng sinh khí mới cho nghề mây tre đan luồng của địa phương.Già Trị tâm sự: “Để tạo ra một sản phẩm đan lát từ mây tre rừng phải qua nhiều công đoạn. Nếu không có lòng đam mê, sự tỉ mẩn và tính sáng tạo thì rất dễ bỏ dở. Trước đây tìm mây thì dễ, bây giờ khó lắm, có khi hết cả buổi sáng. Mỗi ngày chỉ bứt được chừng 10 dây mây thôi”.
Sản phẩm mà già Trị ưa thích là gùi - vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt, trang trí của đồng bào H’re. Để làm xong một gùi phải mất cả tuần, nhanh nhất cũng 5 ngày. Mây trong rừng đưa về được phơi khô dưới nắng, sau đó là các công đoạn như: Vót nan (1 ngày), nấu lá rừng nhuộm mây (1 ngày 1 đêm), ngâm bùn cho mây ngả màu đen (1 ngày) và cuối cùng là đan liên tục trong 3 ngày mới xong. Ngoài gùi, già Trị còn đan các vật dụng sinh hoạt khác như rá, nón, nia, cay đựng trầu… Trong nghề mây tre đan, công đoạn tạo hoa văn trang trí là khó nhất, đòi hỏi người thợ phải hết sức kiên nhẫn, tỉ mỉ. “Nếu không biết cách thì sợi mây rất dễ gãy trong quá trình uốn, làm hỏng cả sản phẩm. Phải rưới nước liên tục cho mây khi đan, thì dây mây mới dẻo dai, chiều theo ý người”, già Trị chia sẻ kinh nghiệm.
Anh Đinh Văn Lật, người cùng thôn, cho biết: “Già Trị đan gùi đẹp lắm. Tôi hay mua về trang trí trong nhà. Nếu trước đây gùi để lên nương, lên rẫy thì giờ đây khi đời sống của đồng bào đã khá giả, nó được trân quý như chính linh hồn của chúng tôi, được bày trí trang trọng tại một góc nào đó trên tường để ngắm”.
Bài và ảnh: Lê Phước Như Ngọc