Đưa vào hoạt động khu sinh hoạt dành cho bệnh nhân ung thư

Ngày 5/3, Đơn vị tuyến vú thuộc Trung tâm Ung bướu phối hợp với Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, đã đưa vào hoạt động khu sinh hoạt chung dành cho bệnh nhân ung thư.

Chú thích ảnh
Tặng tóc giả cho bệnh nhân ung thư. 

Khu sinh hoạt người bệnh nằm trong khuôn viên Đơn vị tuyến vú được bố trí nhiều tủ sách khoa học về chuyên ngành ung thư để bệnh nhân có thể tìm hiểu thêm về căn bệnh này. Bên cạnh đó là nhiều cuốn sách trong bộ sách “Hạt giống tâm hồn”, sách về ý nghĩa cuộc sống. Ngoài ra, tại khu sinh hoạt chung có tủ đựng các loại tóc giả, áo ngực, mũ len dành tặng miễn phí cho bệnh nhân ung thư có nhu cầu.  

“Người bệnh ung thư thường mang tâm trạng u uất, hoang mang, lo lắng, những cuốn sách sẽ giúp nâng đỡ tinh thần để họ có thêm động lực chống lại bệnh tật. Sách được chúng tôi lựa chọn kỹ càng về nội dung nhằm đảm bảo bà con, cô bác tiếp cận được nguồn thông tin khoa học, chính thống, từ đó hiểu hơn về căn bệnh của mình”, thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân ung thư đọc sách tìm hiểu về ung thư.

Cầm trên tay cuốn sách “Ung thư biết sớm trị lành” của Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, chị Tạ Thị Ngát (44 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) bùi ngùi: “Nếu tôi biết sớm thì đã đi điều trị sớm chứ đâu có để đến nặng thế này”. Phát hiện mắc ung thư vú từ lâu, nhưng chị và gia đình cương quyết không đến bệnh viện mà chỉ uống thuốc nam. Đến khi ngực phải sưng to, đau đớn chị mới đi bệnh viện thì bệnh đã trở nặng, phải cắt bỏ hoàn toàn bầu ngực phải, chưa kể khối u còn di căn lên tận cổ, phải điều trị nhiều lần.

Nằm viện gần 3 tháng, không sử dụng điện thoại thông minh nên suốt ngày chị Ngát chỉ biết đi ra, đi vào phòng bệnh. “Giờ có tủ sách mình đỡ buồn hẳn, rảnh rỗi lại ra đây đọc sách, vừa có nhiều kiến thức bổ ích về bệnh ung thư, vừa thấy vững tâm hơn, yên lòng hơn để điều trị bệnh”, chị Ngát chia sẻ. Trong buổi ra mắt khu sinh hoạt, chị và nhiều bệnh nhân khác còn được các bác sỹ chia sẻ, cung cấp thông tin về bệnh ung thư vú và nhận những bộ tóc giả miễn phí từ các đơn vị tài trợ.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân đọc sách tìm hiểu về căn bệnh ung thư.

Tiến sỹ, bác sỹ Huỳnh Quang Khánh, Trưởng Đơn vị tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hàng ngày các y, bác sỹ luôn tất bật với công việc chuyên môn, nên chưa có nhiều thời gian động viên tinh thần người bệnh. Trong khi đó, tâm lý ổn định đóng vai trò rất quan trọng với bệnh nhân ung thư. Khu sinh hoạt chung của bệnh nhân ra đời góp phần tạo nên một kênh thông tin, tư vấn, cũng là nơi người bệnh có thể thư giãn tâm lý sau mỗi kỳ hóa, xạ trị. Từ đó, họ vững tâm tiếp tục chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo này.

Theo Bộ Y tế, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2018, mỗi năm Việt Nam có 164.671 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 9,2%. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ mắc mới ung thư vú là 19,7/100.000 dân.
Đinh Hằng (TTXVN)
Đi bơi sau 1 tuần phẫu thuật nhờ 'bảo bối' chữa ung thư đại trực tràng lần đầu tiên có tại Việt Nam
Đi bơi sau 1 tuần phẫu thuật nhờ 'bảo bối' chữa ung thư đại trực tràng lần đầu tiên có tại Việt Nam

Chỉ đi du lịch và không có người thân ở Việt Nam, nhưng ông David Singh (64 tuổi, quốc tịch Anh) đã quyết định lựa chọn phẫu thuật ung thư đại trực tràng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Và với phác đồ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam: Kết hợp mổ xâm lấn tối thiểu, giảm đau không dùng morphin (ESP), chương trình chăm sóc phục hồi sớm sau phẫu thuật, ông David rất hài lòng về kết quả điều trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN