Điểm tựa của bệnh nhân nghèo

Với phương châm “Lương y như từ mẫu”, Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long đã khám và điều trị thành công cho hàng ngàn lượt bệnh nhân, trong đó có nhiều người nghèo, bệnh nặng ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến các cơ sở y tế.

Chú thích ảnh
 Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long trao quà cho bà Lê Thị Bảy (ngụ phường 2, thành phố Vĩnh Long).

Từ nhiều năm nay, Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long (phường 2, thành phố Vĩnh Long) đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều bệnh nhân lớn tuổi còn tham gia lao động như bán hàng rong, bán vé số. Các bệnh nhân được kỹ thuật viên chăm sóc sức khỏe chu đáo, trong đó nhiều trường hợp được điều trị miễn phí.

Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long Lê Bình An cho biết: Các cụ lao động nhiều, mang đủ thứ bệnh, rồi thêm bệnh nhức mỏi nên đến châm cứu thường xuyên. Hầu hết các cụ đều có hoàn cảnh khó khăn nên Hội điều trị giúp họ có sức khỏe để mưu sinh”. 

Bà Lê Thị Bảy, ngụ tại phường 2, thành phố Vĩnh Long chia sẻ: Tôi lớn tuổi rồi, ở có một mình. Năm trước, tôi bị ngã, đi không nổi. Được giới thiệu, tôi tới đây trị bệnh. Giờ đi được, đạp xe bán vé số hàng ngày được rồi. Các thầy thuốc ở đây trị bệnh cho tôi không lấy tiền mà mỗi khi có quà cũng đều để phần cho tôi.

Chi hội Châm cứu Thành Lợi (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) thuộc Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long, hàng ngày có hàng trăm người đến điều trị bằng các phương pháp bó thuốc, châm cứu, xoa bóp… Nhiều người ở tỉnh khác cũng đến và thuê nhà trọ giá rẻ để điều trị lâu dài. Thông qua điều trị, các bệnh nhân đã thuyên giảm, từng bước phục hồi sức khỏe, dần trở lại sinh hoạt bình thường. 

Ông Đào Văn Phê, ngụ tại xã Phú Tân, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang mang nhiều bệnh ở lưng và cổ, đi lại phải có người giúp đỡ. Được người quen giới thiệu, gần một tháng nay, ông đến điều trị bằng phương pháp châm cứu. Hàng ngày, ông được châm cứu, xoa bóp… nên bệnh dần thuyên giảm. Bệnh đau lưng đã hết, ông đã tự đi được.

Ông Đào Văn Phê cho biết, kết quả chụp cộng hưởng từ của ông ổn rồi. Hiện còn đau ở cổ, ông tiếp tục ở lại để điều trị cho dứt hẳn. Điều trị cách này thời gian lâu nhưng đỡ tốn kém. 

Song song với việc mở rộng các chi hội về vùng sâu, vùng xa, Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long đã thành lập ra các đội châm cứu lưu động đến tận nhà để phục vụ cho bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là các bệnh nặng, không đi lại được, xa các cơ sở khám chữa bệnh. Hàng ngày, các thành viên của đội đến tận nhà chăm sóc bệnh nhân. 

Chú thích ảnh
 Bệnh nhân đến điều trị tại Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long (phường 2, thành phố Vĩnh Long).

Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long Lê Bình An cho biết, với đặc trưng là phương pháp trị bệnh ít tốn kém, ít có tác dụng phụ nhưng có hiệu quả cao đối với nhiều bệnh mãn tính, năm 2019, các cấp hội trong tỉnh và các Chi hội trực thuộc đã tổ chức khám và điều trị cho trên 400.000 lượt bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân được điều trị miễn phí. Hội quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội như tặng quà cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở, nấu cơm từ thiện cho các bệnh viện… Hội còn vận động mạnh thường quân cho mượn đất để xây dựng trụ sở chi hội châm cứu tại xã Tân Lược, huyện Bình Tân.

“Trong thời gian tới, Hội tiếp tục củng cố bộ máy tổ chức hoạt động, tăng cường các đội châm cứu lưu động để đến được nhiều nơi. Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về điều trị bệnh, đồng thời quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội, kịp thời giúp đỡ những bệnh nhận khó khăn, để nơi đây  thật sự là một điểm tựa cho người nghèo”, Chủ tịch Hội Châm cứu Lê Bình An chia sẻ.   

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Cứu giúp bệnh nhân nghèo là cách trả ơn cuộc đời 
Cứu giúp bệnh nhân nghèo là cách trả ơn cuộc đời 

27 năm qua, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1 (Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh), đã trở thành người đỡ đầu, người “cha nuôi” của biết bao bệnh nhân nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN