Chị Hoàng Lan Hương sinh năm 1977, ở tổ 3, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chị sinh ra bị liệt gần như toàn thân, khó khăn trong giao tiếp, mọi di chuyển đều nhờ vào chiếc xe lăn. Tuy nhiên, chị chưa bao giờ từ bỏ ước mơ sống một cuộc sống bình thường. Chị nỗ lực tự mày mò để biết viết, biết đọc, lướt web, vẽ tranh, trồng hoa, thêu thùa, đan lát thậm chí sử dụng smartphone khéo léo. Tất cả đều nhờ vào đôi bàn chân nhỏ bé và một tâm hồn đẹp đầy khát khao, nghị lực.
Bà Trịnh Thị Mùi, mẹ của chị Hương kể lại rằng, cô con gái đầu lòng Hoàng Lan Hương khi mới sinh ra xinh tươi, lành lặn. Đến năm một tuổi, Hương vẫn chỉ lớn bằng đứa trẻ ba tháng. Sau nhiều lần đến khám ở các bệnh viện Trung ương, bố mẹ chị nhận tin dữ khi các bác sĩ kết luận chị đã nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Tưởng chừng cuộc sống của chị Hương quẩn quanh trong 4 bức tường khó có thể làm việc và giao tiếp với xã hội, nhưng chị đã nỗ lực không ngừng để dần biết viết, biết đọc và làm cả phép toán một cách thành thạo.
Vợ chồng ông Lượng, bà Mùi vẫn nhớ như in cảm xúc ngày đầu phát hiện được khả năng của con gái. Bà Mùi kể: “Khi Hương 10 tuổi, vợ chồng tôi nghe tiếng gọi ú ớ từ phía phòng ngủ. Chúng tôi bước vào thấy con dùng ngón chân cái và ngón chân trỏ viết rõ ràng tên, tuổi từng người thân trong gia đình, thời điểm ấy, cả hai vợ chồng đã không cầm được nước mắt. Thì ra, mỗi lần bố mẹ dạy các em học, Hương đã lắng nghe rồi ngày ngày tự lấy phấn, bút mày mò làm theo”.
Ông Hoàng Chất Lượng, bố chị Hương cho biết, trở về từ chiến trường miền Nam, là thương binh nhiễm chất độc hóa học và được nhận trợ cấp hàng tháng. Ngoài chi phí sinh hoạt, ông Lượng dành tiền mua sách, báo, giấy bút cho con học. Thương con, vợ chồng ông bà chạy vạy tiền mua được chiếc tivi đen trắng. Nhờ được xem tivi, chị Hương dần tự tin, vui vẻ, chị bắt đầu học đan áo cho mẹ và em. Bà Mùi cho biết, cô con gái của mình có lúc đam mê đến mức chân bị mỏi, chuột rút, bàn chân co quắp lại và đau đớn.
Vừa làm vừa động viên mình, những tác phẩm ưng ý ra đời khiến chị Hương có thêm say mê, nhiệt huyết.
Bức tranh chị thêu lớn nhất là dài hơn 1 mét, rộng 80 cm với tựa đề “Sơn thủy hữu tình” và được treo ngay tại phòng khách. Chị còn biết vẽ tranh và đặc biệt là ký họa chân dung. Chị vẽ gương mặt của bố mẹ, các em và đặc biệt chị vẽ cả chính mình bằng sự nâng niu, trân trọng.
Chị Hương là người luôn cập nhật công nghệ thông tin nhanh nhất trong xóm. Từ năm 2005 ,chị đã có thể sử dụng thành thạo máy tính, viết email, lướt web. Thậm chí bây giờ chị còn biết sử dụng cả facebook, zalo, đọc báo… tìm hiểu tin tức chia sẻ với mọi người bằng chiếc smartphone. Chị thường xem những video hướng dẫn cắt tỉa, thêu thùa, đan móc… để học hỏi và áp dụng vào tác phẩm của mình.
Khi được hỏi về những khó khăn khi tiếp cận công nghệ thông tin và mạng xã hội, chị Hương cho biết, chị không cảm thấy khó khăn, chỉ có niềm vui, sự hào hứng được theo dõi, học hỏi và sẻ chia nhiều hơn với cộng đồng, bè bạn thông qua mạng xã hội.
Xem facebook của chị, nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ khi được chiêm ngưỡng hình ảnh (do bố mẹ chụp hộ) mà chị đăng tải. Đó là những tác phẩm nghệ thuật do bàn chân chị làm ra như tranh thêu, tranh vẽ; những chiếc mũ, áo len, giày len nhỏ xinh; bông hoa nghệ thuật được cắt tỉa từ củ quả… Chị viết những tâm sự, sẻ chia nhiều thông điệp đầy ý nghĩa như: “Luôn hướng về mặt trời, cho dù cuộc đời có tối tăm đến đâu thì ánh sáng của mặt trời vẫn sẽ soi sáng, đem những điều tốt lành đến cho những cuộc đời kém may mắn!”; “Chân ơi mày đừng đùa với tao như thế chứ… tao sẽ không chịu thua đâu, không bao giờ đầu hàng trước nghịch cảnh hay khó khăn!”…
Thời gian gần đây, chị Hương thường làm hoa, đan mũ len, khăn len… rồi gửi tặng mọi người. Mỗi chiếc mũ len ban đầu chị Hương làm mất 1 tuần, giờ đây chị Hương vừa làm vừa nghỉ (vì mỏi chân) nhưng chỉ mất 2-3 ngày. Nhờ facebook, chị kết nối với nhiều đoàn thiện nguyện để gửi tặng mũ len cho trẻ vùng cao.
Bà Vũ Việt Lan, Trưởng nhóm Thiện nguyện Hà Nội - Sài Gòn chia sẻ: Hương thường liên lạc để gửi mũ len cho các em nhỏ vùng cao ở Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn… Mỗi lần Hương gửi 30-40 chiếc mũ len. Đây là những món quà đặc biệt, ý nghĩa từ cô gái khuyết tật giàu lòng nhân ái. Vì tình cảm “đặc biệt” ấy, trên mỗi gói quà của Hương chúng tôi đều ghi cụ thể rằng đây là mũ len (khăn len) do chị Hương (nạn nhân chất độc da cam) làm ra gửi tặng cho các em, các cháu.