Đã hơn 40 năm kể từ ngày diễn ra trận đánh lịch sử năm 1979 bảo vệ thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn), Đại tá Triệu Văn Điện, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn nhớ như in từng chi tiết. Sinh ra và lớn lên tại xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, Lạng Sơn, dù chưa học hết cấp 3, nhưng theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ, chàng tân binh Triệu Văn Điện ngày ấy đã được biên chế về Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đầu tiên của Công an tỉnh Cao Lạng, đóng quân tại Cao Bằng.
Ngày 17/1/1979, Tiểu đoàn này bắt đầu hành quân về Lạng Sơn, đến thị trấn Đồng Đăng làm nhiệm vụ bảo vệ trị an, trấn áp tội phạm cũng như sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh. Một ngày đầu tháng 4/2022, chúng tôi về Lạng Sơn, được nghe ông kể về những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội thật ngoan cường.
Ông Triệu Văn Điện nhớ lại: Sáng sớm 17/2/1979, Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới nước ta, trong đó thị trấn Đồng Đăng là mũi đầu tiên. 7 giờ thì pháo bắn rợp đường. Ông cùng đồng đội vừa tuần tra về đến đơn vị thì được lệnh triển khai theo phương án tác chiến. Trầm tư trong giây phút ông Điện kể tiếp, lúc ấy Trung Quốc đưa 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng và 6 trung đoàn pháo binh ồ ạt tràn vào cửa ngõ Đồng Đăng.
“Tôi và đồng đội được điều động đến khu vực Đền Mẫu (thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn) để hướng dẫn người dân vào hang trú ẩn, tránh pháo. Cả tiểu đoàn đã ngoan cường chiến đấu, bảo vệ cho khoảng 500 người dân, nhiều đồng đội đã hy sinh”, ông Điện chậm rãi kể.
Sau đó, liên tục trong các ngày 17, 18/2, đơn vị của ông phối hợp bộ đội bắn tỉa từ trong hang để cầm cự. Tranh thủ lúc ngưng bắn thì xuống thị trấn lấy lương khô về tiếp tế cho dân. 22 giờ ngày 18/2, Tiểu đoàn của ông được lệnh rút quân do pháo đánh liên tục, bị bao vây và hết đạn dược. Binh nhì Triệu Văn Điện lúc này đã gồng mình cùng đồng đội mở đường đưa người dân Đồng Đăng thoát khỏi vòng vây ra tuyến sau.
Theo ông Điện, sau khi chiếm được thị trấn Đồng Đăng, buổi tối phía Trung Quốc co cụm lại. Ông đã nhờ người dân bản địa thông thạo địa hình dẫn đường đưa mọi người cắt thị trấn đi dọc theo bờ suối. Ra đến ngã tư Hồng Phong bị phục kích, ông tiếp tục hướng dẫn người dân tụt xuống đường bờ ruộng ra hang đá. Ngày 21/2 thì ra đến tuyến sau. Nhớ lại giây phút sinh tử nơi hang Đền Mẫu, ông Điện cho biết: Khoảng 8 giờ ngày 17/2 pháo cao xạ bắn rầm trời Lạng Sơn. Đồng đội của ông trong Tiểu đoàn như Vi Văn Cao, Trần Thái… đã hy sinh.
Đến 9 giờ cùng ngày, đồng chí Hà Sỹ Điềm, Tiểu đội trưởng bị thương xuyên qua vai, lúc ấy ông Điện đã cởi chiếc áo mặc trên người ra băng bó vết thương cho đồng đội, dù tiết trời mùa đông lạnh buốt. “Khi đưa anh Điềm xuống một đoạn lại gặp anh Phùng Văn Hiền (sau này là cán bộ Công an huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cũng bị thương. Tiến hành băng bó cho anh Hiền xong, một mình tôi cõng các thương binh thoát ra khỏi hang”, ông Triệu Văn Điện kể.
“Nghĩ lại lúc đó mình cao mét 7 nhưng chỉ nặng hơn 50kg thôi, mấy ngày đói khát không ăn uống gì nhưng vẫn cố sức để dìu được anh em về phía sau”, ông Điện chia sẻ.
Có lẽ, sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ quê hương và sẵn sàng lăn xả vì đồng đội nên sức mạnh trong con người chàng thanh niên Triệu Văn Điện lúc ấy được nhân lên gấp bội, vượt vòng vây, cõng một đồng đội là thương binh nặng, dìu một đồng đội khác trong 4 ngày đêm liên tục vượt hơn chục cây số đường rừng về tuyến sau an toàn.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Điện tâm sự: “Lúc đó có sức trẻ, lại được nhập ngũ vào công an theo đúng nguyện vọng nên tinh thần tôi rất vui, không cảm thấy mệt mỏi”. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc, chàng trai người Nùng được đề nghị thăng quân hàm vượt cấp từ Binh nhì lên Trung sỹ, giữ chức vụ Tiểu đội trưởng. Đến năm 1980, Trung sỹ Triệu Văn Điện được tôn vinh và viết báo cáo điển hình tiên tiến và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa tròn 21 tuổi.
Trở về sau cuộc chiến, ông Điện đi học, cuối năm 1988 thì về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là thời điểm mà tất cả hàng hoá tập trung về tuyến biên giới, nạn cướp bóc hoành hành nên Triệu Văn Điện bước vào cuộc chiến nóng bỏng với tội phạm hình sự. Suốt từ năm 1988 đến năm 1995, khi làm Đội trưởng Đội Trọng án rồi Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự thì tên tuổi của ông Điện đã khiến nhiều đối tượng hình sự khét tiếng phải dè chừng. Tập thể Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn giai đoạn này 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng ông Điện được trao tặng 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an.
Đến 2002 ông được bổ nhiệm Trưởng phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Lạng Sơn, năm 2010 là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm. Ở cương vị công tác nào ông Điện cũng để lại dấu ấn nghề nghiệp và sự nỗ lực phi thường của mình. Năm 2017 khi chỉ còn 15 ngày nữa là đến thời điểm trả lại chìa khoá, rời nhiệm sở nghỉ chờ hưu ông Điện còn nhận được Bằng khen và thưởng “nóng” của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì có thành tích bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Long “ma” (đối tượng xả súng AK bắn chết người ở Cầu Giấy rồi bỏ trốn sang Trung Quốc)…
Bây giờ khi đã được nghỉ hưu nhưng chất “lính” trong con người Đại tá Triệu Văn Điện vẫn còn nguyên vẹn. Với bản chất cần cù, ham học hỏi cộng với “vốn liếng ít ỏi” về bài thuốc gia truyền chữa bỏng của đồng bào dân tộc Nùng, ông Điện đã phát huy nhiều bài thuốc quí cứu người. Từ năm 2019 đến nay, nhiều ca bị bỏng nặng nhờ có bài thuốc quí chữa bỏng của ông Điện mà nhiều người đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Theo ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Lạng Sơn, là một sĩ quan công an đã nghỉ hưu, Đại tá Triệu Văn Điện đã kế thừa, bảo tồn, phát huy, phát triển các bài thuốc quí và phương pháp chữa bỏng rất hữu hiệu. Kể từ năm 2019 đến nay, Đại tá, lương y Triệu Văn Điện đã chữa khỏi cho hàng chục bệnh nhân bị bỏng nặng, trong đó có các cháu nhỏ, để lại niềm cảm phục trong lòng nhân dân địa phương.
Cũng theo ông Trần Văn Tuyến, Hội Đông y Lạng Sơn mong muốn Đại tá Triệu Văn Điện tiếp tục quan tâm phát triển các bài thuốc đông y thành các dạng dễ sử dụng và có hiệu năng cao hơn như phá chế dạng dung dịch đóng chai, hướng dẫn người dân tự chữa trị khi bị bỏng dù ở thể nhẹ đến nặng. Biến tiềm năng, khai thác lợi thế về bài thuốc dân gian gia truyền của đồng bào dân tộc Nùng với hy vọng trong tương lai lương y, Đại tá Triệu Văn Điện sẽ bảo tồn nhiều bài thuốc quí, ứng dụng rộng rãi trong thực tế góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Clip Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Triệu Văn Điện kể lại những ngày tháng chiến đấu ở Đồng Đăng (Lạng Sơn):