Vật liệu xây dựng “ế” giữa mùa xây dựng

“Chưa bao giờ khó khăn như bây giờ” là điều các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng thường than thở vào giai đoạn này. Tình trạng ế ẩm đang khiến cho cả nhà sản xuất lẫn kinh doanh vật liệu xây dựng ngao ngán.

 

Ế khách chưa từng có


Điều đáng nói, dù biết thị trường đang rất dồi dào nguồn cung, còn mẫu mã thì phong phú, đa dạng song người tiêu dùng vẫn không hào hứng.


 

Rất nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở Hà Nội nằm trong tình trạng ế ẩm.

 

Bà Nguyễn Thị Thành (phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi rất muốn xây thêm một tầng nữa để ra Tết cưới vợ cho con trai, nhưng tiền dành dụm mãi chưa đủ. Dù biết giá vật liệu xây dựng (VLXD) bây giờ rẻ, dễ mua nhưng tiền làm ra đã chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày hết cả, lấy đâu tiền xây nhà?”.


Tâm trạng của bà Thành cũng là suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng lúc này. Khi mà thu nhập giảm, chi phí cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày gia tăng thì việc xây, sửa nhà cửa chưa phải là quan trọng nhất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường VLXD năm nay, dù đang vào mùa cao điểm nhưng vẫn ế ẩm.


Dạo một vòng quanh các đại lý kinh doanh VLXD lúc này, quang cảnh đìu hiu là điều dễ nhận thấy nhất. Nếu như những năm trước, đây là thời điểm các DN đẩy mạnh xây dựng để quyết toán công trình cuối năm, và cũng là mùa mà người dân rộn ràng xây, sửa nhà ở thì năm nay, quang cảnh lại hoàn toàn trái ngược. Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ cửa hàng VLXD Tôn Huệ trên phố Thanh Nhàn (Hà Nội) ngao ngán: “Mấy chục năm kinh doanh VLXD, tôi chưa bao giờ thấy thị trường khó khăn như lúc này. Dù đã vào mùa xây dựng rồi nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tăng cường mua bán gì cả. Ế ẩm lắm!”. Bà Huệ lý giải: Trước đây, bà thường bán cho các công trình lớn, hoặc giới đầu cơ xây nhà để bán nên doanh số bán hàng luôn nhiều và tăng. Nay các công trình này đều dừng hoặc giãn tiến độ. Giờ chỉ bán được cho những người có nhu cầu thực xây nhà để ở nên chả đáng là bao. Lượng tiêu thụ giảm tới 40-50% so với năm ngoái.


Nguyên nhân sâu xa của tình trạng thị trường VLXD tụt dốc thê thảm là do sự đóng băng của thị trường bất động sản và những khó khăn trong lĩnh vực xây dựng. Trong khi đó, những khó khăn từ khủng hoảng kinh tế đã khiến túi tiền của người dân, DN ngày càng nghèo đi. Do đó, thị trường VLXD dù đang rất “chiều lòng” người mua nhưng cũng không tạo ra hấp lực mua bán lúc này. Ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gạch Khang Minh lý giải: “Hàng hóa dù giá rẻ, nguồn cung dồi dào nhưng cũng không tạo được sự hào hứng cho khách hàng. Người muốn mua thì không có tiền. Người có tiền thì có tâm lý phòng thủ, đợi thị trường xuống nữa”.

 

Cần có giải pháp kích cầu thị trường


Thị trường ế ẩm là lý do tất yếu dẫn đến tồn kho tăng cao.


Theo báo cáo của Hội VLXD, chỉ riêng trong ngành gốm sứ xây dựng, tồn kho đầu năm 2012 đã tăng lên. Nhưng nếu tính cả lượng tồn kho lũy kế tại các đơn vị sản xuất và từ các đại lý thì lượng tồn kho đã tăng tới 20%. Hiện tại còn tồn khoảng 40 triệu m2 gạch ốp lát, trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh trị giá tương đương trên 3.000 tỷ đồng.


Còn với VLXD không nung, việc tiêu thụ còn rất hạn chế. Hầu hết các dây chuyền sản xuất bê tông nhẹ mới chỉ đạt từ 10-20% công suất. Một số DN không tiêu thụ được sản phẩm đã phải dừng sản xuất. Với ngành sản xuất đá ốp lát, đến nay cả nước có 8 trung tâm khai thác đá ốp lát, năng lực sản xuất 10 triệu m2 sản phẩm/năm. Nhưng nay, đã có khoảng 50% xí nghiệp phải dừng sản xuất, hàng vạn lao động mất việc làm, cuộc sống vô cùng khó khăn. Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD cho biết: “Năm 2011, tiêu thụ đã sụt giảm 10% so với năm 2010. Năm 2012 lại giảm khoảng chừng đó nữa so với năm 2011”.


Tình trạng ế ẩm đã khiến không ít DN và đại lý phải cắt giảm sản xuất. Chủ đại lý VLXD Bình Hà trên phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) than: “Ở thời điểm này, lượng tiêu thụ của DN chỉ bằng 50% năm ngoái và bằng 1/4 năng lực sản xuất. Thị trường chưa bao giờ khó như bây giờ”.


Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Huynh cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp mạnh mẽ để kích cầu thị trường. Hiện nay chúng ta vẫn đang xây dựng nhiều công trình từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay nước ngoài. Nếu biết cách tận dụng lợi thế này vẫn sẽ có một lượng lớn hàng được tiêu thụ. Chỉ có điều, phần lớn thị phần này lại rơi vào DN, hàng nhập ngoại. Theo ông Huynh, làm đường bê tông xi măng chính là kích cầu thị trường. Như vậy, vừa kích cầu tiêu thụ xi măng, vừa giảm nhập siêu do giảm nhập khẩu nhựa đường, lại đảm bảo công trình bền vững.

 

Hà Vy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN