Nếu chủ quan để cơ thể rơi vào tình trạng thiếu hoặc thừa vitamin thì mỗi người có thể đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi người hãy nhận biết đúng và bổ sung vitamin cho bản thân hợp lý.
Thiếu vitamin vì chủ quan
Mặc dù xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày một nâng cao nhưng mọi người vẫn có thể rơi vào tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Khi cơ thể bị thiếu vitamin và khoáng chất thì có thể dễ mắc một số bệnh, chẳng hạn: thiếu vitamin A có thể gây bệnh ở mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa; thiếu vitamin B1 dễ bị phù, viêm các dây thần kinh, suy tim; thiếu vitamin C dễ gây chảy máu dưới da và niêm mạc, làm giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn; thiếu vitamin K dễ bị xuất huyết, đặc biệt xuất huyết não, màng não; thiếu vitamin D và canxi sẽ bị còi xương; thiếu kẽm dễ mắc các bệnh ngoài da; thiếu fluor dễ mắc bệnh răng miệng, thiếu sắt dẫn đến thiếu máu...
Nhiều trường hợp thiếu vitamin là do chủ quan vì nghĩ rằng, với chế độ ăn uống ngày càng được bổ sung, tăng cường lượng thực phẩm đa dạng thì cơ thể khó có thể bị thiếu vitamin. Tuy nhiên, thực tế là mọi người vẫn có thể bị thiếu vitamin do thói quen và thiếu kiến thức khoa học, chế độ ăn uống thiên lệch, quá nhiều loại này những lại ít loại khác… khiến cho lượng vitamin cung cấp cho cơ thể cũng rơi vào tình trạng: thừa loại này, thiếu loại kia. Mặc khác, những thói quen không tốt trong cuộc sống như: thức đêm, giờ giấc sinh hoạt không điều độ, đặt biệt là hút thuốc, uống rượu bia… có thể làm giảm khả năng hấp thụ vitamin.
Thừa vitamin vì thiếu hiểu biết
Mặc dù vitamin rất cần thiết cho cơ thể nhưng nếu bổ sung vitamin không đúng cách cũng rất nguy hại. Đặc biệt với vitamin tan trong dầu, khi lượng cung cấp vượt quá nhu cầu thì có sự tích lũy trong cơ thể gây nên rối loạn do thừa vitamin.
Vitamin tan trong dầu hấp thu cùng với các chất mỡ, vì vậy khi cơ thể không hấp thu được mỡ thì không hấp thu được những vitamin này. Quá trình hấp thu đòi hỏi phải có axit mật làm chất nhũ hóa vì mỡ không tan được trong máu, để hấp thu tốt thì nên bổ sung các loại vitamin này trong hoặc sau bữa ăn. Khi dùng quá liều, các vitamin này không thải trừ hết qua thận mà tích lũy chủ yếu ở gan và mô mỡ, do đó khi dùng liều cao và kéo dài sẽ gây độc tính, đặc biệt là vitamin A và D. Sử dụng các vitamin này không theo chỉ định của các bác sỹ, hoặc sử dụng theo kinh nghiệm cá nhân có thể gây ra các mối nguy hiểm, nhất là việc sử dụng quá liều.
Đối với nhóm vitamin tan trong nước (vitamin nhóm B và vitamin C) thì việc sử dụng đơn giản hơn, nếu dùng liều cao thì có thể thải ra ngoài tương đối dễ dàng, bài tiết ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu.
Bổ sung đúng cách
Theo bác sỹ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Việt Nam, muốn phòng tránh thiếu vitamin, cần có chế độ ăn phong phú với nhiều loại thực phẩm khác nhau nhất là phải ăn nhiều rau, hoa quả, thịt cá, trứng sữa và nên chế biến bằng cách luộc, nấu , hạn chế xào, rán...
Cơ thể không tổng hợp được các vitamin, vitamin được cung cấp cho cơ thể chủ yếu từ các thức ăn hàng ngày từ nguồn động vật: gan, cá, trứng, sữa... và từ nguồn thực vật như ngũ cốc, rau, trái... Một số các vitamin thường hiện diện nhiều ở các màng của các hạt, vỏ của trái cây... Tuy nhiên, nếu sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, ăn kiêng, rối loạn hấp thụ ở đường tiêu hóa thì vẫn thiếu vitamin.
Mỗi ngày cơ thể không thể thiếu vitamin. Do vậy vitamin có vai trò quan trọng góp phần duy trì cuộc sống, giúp cơ thể khỏe mạnh. Việc ngăn ngừa thiếu hụt vitamin cũng như bổ sung vitamin từ thực phẩm, thực phẩm có bổ sung vitamin hay vitamin tổng hợp là cần thiết và quan trọng khi cơ thể có các dấu hiệu cho thấy đang bị thiếu hụt vitamin. Mỗi người trong cuộc sống hiện đại hối hả, tất bật thì cần ý thức được vai trò của vitamin đối với sức khỏe để bổ sung đủ, khỏe hơn mỗi ngày.
Khôi Nguyên