Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, theo nhận định của Bộ Công Thương tại họp báo chiều qua (4/2) về tình hình sản xuất, kinh doanh, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống đã bắt đầu tăng giá do ảnh hưởng của thời tiết và nhu cầu tiêu dùng tăng, tuy nhiên, do nguồn hàng dồi dào nên giá cả các mặt hàng không có nhiều biến động. Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định, nhu cầu tiêu dùng dịp Tết tăng cao nhưng thị trường sẽ không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Nguồn hàng phục vụ Tết dồi dào
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, công tác chuẩn bị Tết đang được các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tích cực triển khai trên cả nước với nhiều hoạt động khuyến mãi, giảm giá, chuẩn bị hội chợ xuân, đưa hàng về nông thôn... Hàng Việt Nam với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phong phú đang ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường. Đến nay, cả nước đã có 37 địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường nên nguồn cung hàng hóa khá đa dạng, dồi dào. Bên cạnh lượng hàng hóa được hỗ trợ từ chương trình bình ổn, các địa phương, các doanh nghiệp cũng lên kế hoạch chuẩn bị với số lượng cao hơn mức tiêu thụ của các tháng bình thường từ 15 - 20% và cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 5 - 10%.
Khách chọn mua hàng Tết tại siêu thị CoopMart Hà Nội. |
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 20 - 25% so với tháng bình thường trong năm; trong đó tập trung vào một số nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát... Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết, thành phố Hà Nội đã ứng 376 tỷ đồng cho 15 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên địa bàn dự trữ hàng phục vụ Tết. Theo đó, các doanh nghiệp đã dự trữ khoảng 6.000 tấn gạo, 900 tấn thịt heo, 350 tấn thịt gà, vịt, 6 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn rau, củ, 550 tấn thực phẩm chế biến, 450 tấn hải sản đông lạnh, 200 tấn đường...
Ước tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội dịp trước, trong và sau Tết trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng. Với lượng hàng hóa trên, Sở Công Thương Hà Nội khẳng định sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thủ đô trong dịp Tết.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, mặc dù sức mua sắm của người dân đã có mức tăng khá nhờ thành phố triển khai "Tháng khuyến mãi", nhưng các doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ dịp Tết khá lớn cùng với cam kết giữ giá cả không tăng đột biến so với ngày thường. Trong đó, nguồn cung ứng hàng hóa gồm ba nguồn chính là các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm từ 30 - 40% nhu cầu thị trường), các chợ đầu mối (chiếm 40% đến 50%) và các doanh nghiệp khác (chiếm từ 10% đến 20%).
"Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã xây dựng và có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết tăng gần gấp hai lần so với kế hoạch được thành phố giao. Nhiều mặt hàng có số lượng lớn, có khả năng chi phối hơn 50% nhu cầu thị trường như dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến...", ông Nguyễn Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay.
Đề phòng nguy cơ biến động giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 1,25% so với tháng 12/2012. Theo phân tích của Bộ Công Thương, nguyên nhân do tác động điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế tại một số địa phương đã tác động mạnh tới nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,4%, trong đó nhóm dịch vụ y tế tăng 9,5%. Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,34%, trong đó nhóm thực phẩm tăng 1,96%, do giá thực phẩm tiếp tục tăng tại nhiều địa phương.
Bước sang tháng 2, nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng mạnh hơn, bởi thế, mặc dù nguồn cung khá dồi dào nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại về khả năng biến động giá thực phẩm. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng nhận định, đối với nhóm hàng lương thực, tình hình cung cầu, giá cả nhóm hàng này tương đối ổn định, nhưng nhóm hàng thực phẩm sẽ có khả năng tăng giá. Hiện nay, trên địa bàn thủ đô, giá một số nhóm hàng thực phẩm đã bắt đầu tăng, trung bình giá thịt lợn tăng từ 5 - 10%, thịt gà tăng 10 - 20% so với đầu tháng 1.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng dự đoán, đối với thị trường Tết năm nay, giá các mặt hàng tiêu dùng không có nhiều biến động nhưng một số mặt hàng thực phẩm tươi sống có thể tăng giá do ảnh hưởng của thời tiết và nguồn cung trong giai đoạn này có phần thu hẹp. Tuy nhiên, ông Võ Văn Quyền khẳng định: “Nguồn hàng hóa thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Có thể một số mặt hàng sẽ tăng giá dịp cận Tết nhưng đó chỉ là tình trạng tăng giá cục bộ chứ không phản ánh tổng cung cầu mất cân đối...”.
Theo Bộ Công Thương, Tết năm nay, lượng tiêu thụ bia sẽ không cao so với cùng kỳ do việc tiết giảm chi tiêu của đại bộ phận dân cư. Tuy nhiên, vừa qua, một số loại bia lại tăng giá đột biến. Theo nhận định của của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, giá mặt hàng bia biến động tăng như vừa qua chỉ là tình trạng thiếu hàng ảo.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội Nguyễn Hồng Linh cho biết, các loại bia chai Trúc Bạch và bia Hà Nội là không thiếu hàng, thậm chí còn tồn kho hơn 300.000 thùng, sản xuất bia hơi tăng cao nhất từ trước đến nay. Hiện các nhà máy thuộc Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội đang phát huy hết công suất để sản xuất bia lon đáp ứng nhu cầu tăng cao trong cả nước.
Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt cho biết thêm, Hiệp hội đang vận động các doanh nghiệp thành viên rà soát lại chi phí và giá thành sản xuất, kiểm tra lại các đại lý của mình để tránh tình trạng giá bia tăng bất hợp lý, hàng tồn kho mà nguồn cung lại thiếu, gây thiệt hại trực tiếp đến người tiêu dùng.