Dư địa tiết kiệm điện trong các hộ gia đình vẫn còn rất lớn

Dư địa tiết kiệm điện trong các hộ gia đình còn nhiều và theo tính toán của EVN vẫn còn khoảng từ 15 - 30%.

Chú thích ảnh
Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội vận hành cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Trong giai đoạn 2022 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6%; giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện, ít nhất 1.500 MW vào năm 2025. Để thực hiện được điều này, không chỉ cần nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, chung tay của doanh nghiệp mà tiết kiệm điện phải được thực hiện ngay trong mỗi hộ gia đình. Bởi lẽ đây là khu vực có dư địa tiết kiệm điện rất lớn.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) xoay quanh chủ đề tiết kiệm điện cho các hộ gia đình của Việt Nam hiện nay.

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng việc sử dụng năng lượng của các cá nhân, hộ gia đình tại Việt Nam hiện nay?

Nhờ các chương trình tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội, EVN, các tổng công ty điện lực nên các hộ gia đình cơ bản đã hiểu và sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Tuy nhiên, dư địa tiết kiệm điện trong các hộ gia đình còn nhiều và theo tính toán của EVN vẫn còn khoảng từ 15 - 30%. Nhiều hộ gia đình còn sử dụng điện lãng phí, chưa tiết kiệm như: sử dụng bóng đèn tròn sợi đốt, đèn huỳnh quang chấn lưu từ, tủ lạnh, máy giặt, máy bơm, điều hòa,… cũ. Nhiều hộ gia đình, nhiều cá nhân chưa thực hành thói quen sử dụng điện tiết kiệm.

Vậy, đâu là những nguyên nhân khiến việc sử dụng điện trong khu vực dân dụng chưa thực sự đạt được hiệu quả?

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến 3 nguyên nhân chính, cụ thể như sự hiểu biết về các lợi ích của sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm của người dân chưa cao. Chi phí cho thay thế các thiết bị điện có hiệu suất cao thường có giá thành cao hơn so với thiết bị có hiệu suất thấp… dẫn tới nhiều hộ gia đình không đầu tư, lựa chọn các thiết bị có hiệu suất cao. Ví dụ điều hòa có biến tần có thể tiết kiệm hơn loại điều hòa không biến tần tới 30%, tuy nhiên giá có thể cao hơn từ 1 - 2 triệu đồng. Về lâu dài, việc sử dụng các sản phẩm, thiết bị điện có hiệu suất cao sẽ hiệu quả về đầu tư hơn, do tiết kiệm điện.

Ngoài ra, các quy định pháp luật chỉ khuyến khích đối tượng khách hàng dân dụng sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả, không có chế tài xử phạt đối với các hành vi không sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Chú thích ảnh
Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội tuyên truyền tiết kiệm điện, sử dụng điện an toàn và hiệu quả cho các hộ sản xuất trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Có ý kiến cho rằng công nghệ thiết bị điện mới, hiện đại là một trong những yếu tố quan trọng để giúp việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Ngày nay, các nhà sản xuất khi thiết kế và sản xuất các sản phẩm và thiết bị đều hướng tới vấn đề an toàn, tiết kiệm và thận thiện với môi trường. Để giải quyết được mục tiêu này, hầu hết các nhà sản xuất phải áp dụng các công nghệ hiện đại cho các sản phẩm của họ.

Ví dụ rõ nét nhất đó là đèn tròn (sử dụng dây tóc vonfram), hiệu suất 5%, đèn huỳnh quang compact, hiệu suất 20%, còn lại 80% là nhiệt, trong khi đó, đèn LED hiệu suất 80 - 90%.

Ví dụ khác đó là điều hòa có lắp bộ biến tần sẽ giúp tốc độ quay của máy nén dàn nóng được điều khiển bằng tần số nghĩa là điều khiển cho điều hòa chạy từ mức thấp tới khi đạt được 100% công suất.  

Các thiết bị như tủ lạnh, máy điều hòa không khí, đèn chiếu sáng, máy đun nước nóng, nồi cơm điện,… tiêu thụ năng lượng điện khá lớn. Vậy bên cạnh việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân thì chúng ta có nên yêu cầu chính các nhà sản xuất thay đổi, cải thiện sản phẩm?

Các nhà sản xuất để bán được sản phẩm thì họ phải sản xuất sản phẩm có tính ưu việt; trong đó, ưu tiên thiết kế sản xuất thiết bị điện có mức tiêu thụ điện năng thấp nhưng hiệu quả hoạt động cao.

Ở Việt Nam, từ năm 2017 Chính phủ đã quy định bắt buộc danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu… cho thiết bị  như đèn huynh quang, chấn lưu điện từ và điện tử, điều hòa, nồi cơm điện, quạt điện, tủ lạnh, máy giặt, tivi, động cơ điện (bơm điện), xe ô tô con 7 chỗ trở xuống…

Người tiêu dùng thông thái sẽ lựa chọn các sản phẩm có dán nhẵn năng lượng - SS (nhiều sao, tiết kiệm hơn) và xác nhận (ngôi sao và "tiết kiệm năng lượng"), tốt nhất (xuất xứ, dung tích/công suất, điện năng tiêu thụ (kWh/năm), TCVN…).    

Chú thích ảnh
Các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Trong thời gian tới, EVN có những phong trào, giải pháp nào để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm tại các khu dân cư?

Tập đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới các hộ gia đình về các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; tuyên truyền các chính sách pháp luật của nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung và sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng.

Cùng đó, phát động các cuộc thi, phong trào như "gia đình tiết kiệm điện", "tuyến phố/khu chung cư tiết kiệm điện", "gia đình văn hóa, tiết kiệm điện", "sáng kiến tiết kiệm điện trong hộ gia đình", "tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường""…

Ngoài ra, Tập đoàn sẽ áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện như: chỉ sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn năng lượng; sử dụng đèn LED thay thế đèn sợi đốt và compact; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; sử dụng chung phòng…

Và cuối cùng là kiểm soát thị trường xuất nhập và tiêu dùng các sản phẩm, thiết bị điện hộ gia đình, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.    

Xin cảm ơn ông!

Đức Dũng (TTXVN)
Tối ưu sản xuất, hoạt động kinh doanh để tiết kiệm điện
Tối ưu sản xuất, hoạt động kinh doanh để tiết kiệm điện

Để hạn chế tới mức thấp nhất những nguy cơ gây sự cố cục bộ trên hệ thống điện thì Ngành điện nói chung và Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) nói riêng rất cần sự chung tay, thay đổi ý thức sử dụng điện của khách hàng và đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tiết giảm chi phí, tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN