Xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược

Ngày 14/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi tọa đàm “Xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược: Góc nhìn doanh nghiệp”.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ đề án “Đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược, quan trọng” đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho VCCI chủ trì và thực hiện. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam hiện có 16 đối tác chiến lược và đều là những đối tác quan trọng. Đó là chưa kể tới Hoa Kỳ. Đây là những nền kinh tế lớn và là bộ phận quan trọng nhất của kinh tế thế giới, là nguồn tài chính và trung tâm công nghệ lớn nhất thế giới.

Với Việt Nam, 17 nước đối tác đã đầu tư gần 230 tỷ đô la Mỹ (USD); đóng góp 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Có thể khẳng định vai trò rất quan trọng của những đối tác chiến lược này; thậm chí có tính chất quyết định tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.   

Tại cuộc tọa đàm, các diễn giả, các chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp sẽ cùng nhau chia sẻ những cách thức đã tiến hành để xúc tiến thương mại và đầu tư sao cho có hiệu quả. Thay đổi phương thức làm để sao cho hoạt động xúc tiến thương mại trở nên hấp dẫn hơn.  

Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nhận định, chính sách hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia đối tác có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ hiện mong muốn đầu tư ở Việt Nam trong một số lĩnh vực như năng lượng, vận tải… Họ kỳ vọng những thay đổi tiến bộ, sự cải thiện rõ ràng hơn cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; cũng như các chính sách về đầu tư hay hợp tác kinh doanh củ Chính phủ.

Theo bà Virginia Foote, nếu hoàn thiện được cả hai hạ tầng này, thì Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế. Cùng với đó là sự phát triển của nền kinh tế phi tiền mặt khi tạo dựng được hệ thống an ninh an toàn, đảm bảo về công nghệ để có thể giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt hay các giao dịch dựa trên tiền mặt... Vấn đề xuất khẩu công nghệ và chuyển giao công nghệ cũng được các doanh nghiệp Hoa Kỳ hết sức quan tâm, bà Foote cho biết thêm.

“Để giúp các doanh nghiệp yên tâm thì chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng cần được các cấp, ngành chú trọng nhiều hơn. Với các tỉnh thành và địa phương, chúng tôi cảm nhận thấy có những khó khăn trong hoạt động thu thuế. Lãnh đạo các tỉnh, thành hay Chính phủ đã có nhiều chuyến ra nước ngoài quảng bá, thu hút đầu tư. Việt Nam cũng đã rộng mở cánh cửa, nhưng không hiểu nguyên cớ vì sao, nền tảng thuế và các chính sách thuế vẫn chưa thân thiện”, bà Foote nhấn mạnh.

Đại diện Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), ông Hiromitsu SHO, Giám đốc JETRO Hà Nội chia sẻ, qua thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn có nhiều hạn chế về kỹ thuật nhưng vẫn có nhiều kỳ vọng và mong muốn phát triển. JETRO hiện đang cung cấp thông tin và tư vấn cho nhiều doanh nghiệp loại này và Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á mà JETRO có tới 2 văn phòng cùng hoạt động.

Thời gian qua, đã có hơn 3.200 doanh nghiệp Nhật Bản đã đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hàng năm giá trị ngày càng gia tăng. Ở Việt Nam, JETRO thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư, hướng dẫn các doanh nghiệp Nhật tham gia xây dựng tầm nhìn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, do đó tỷ lệ nội địa của các sản phẩm hay doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam ngày càng tăng...

Theo nghiên cứu của JETRO, có hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đây là tỷ lệ rất cao. Chứng tỏ độ hấp dẫn của Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật. Quy mô thị trường, chi phí lao động thấp... điều kiện sống tốt cho cán bộ công nhân viên người nước ngoài... Đó là những gì JETRO hay các doanh nghiệp Nhật Bản đang đánh giá về Việt Nam. 

Tuy nhiên, để hợp tác đầu tư hay xúc tiến thương mại giữa 2 nước được gia tăng hơn nữa, ngoài vấn đề chi phí nhân công; các quy trình thủ tục hành chính thì môi trường đầu tư cũng cần phải được coi trọng và nỗ lực nhiều hơn, ông HSO nhấn mạnh. 

Thạch Huê
Quảng Ninh xúc tiến thương mại cho quả vải chín sớm Phương Nam
Quảng Ninh xúc tiến thương mại cho quả vải chín sớm Phương Nam

Sáng 14/5, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam và trao Giấy chứng nhận quả vải chín sớm Phương Nam đạt tiêu chuẩn VietGAP giai đoạn 1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN