Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch đầu tư đã thống nhất đưa dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng) vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia để xúc tiến kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ kết nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây |
Dự án này có chiều dài 200,3 km, dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 65.350 tỉ đồng. Điểm đầu tại Km0 trên Quốc lộ (QL)1A trùng với Km54+794,07 dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; điểm cuối tại Km199+717,53 trùng với Km208+250 trên đường cao tốc Liên Khương – Prenn (Lâm Đồng).
Đèo Prenn - cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt kết nối cao tốc Đà Lạt - Liên Khương đã hoàn thành |
Theo quy hoạch, giai đoạn hoàn chỉnh của dự án, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 25,5 m. Tuy nhiên, trước mắt để đảm bảo tính khả thi và nhu cầu vận tải, các Bộ và tỉnh Lâm Đồng kiến nghị với Chính phủ đầu tư quy mô 2 làn xe, tốc độ khai thác đảm bảo 60 - 80 km/giờ, với mức đầu tư gần 34.000 tỉ đồng. Dự án dự kiến sẽ đầu tư theo hình thức PPP (Hợp tác công tư), có sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi dự án.
QL 20, trục đường huyết mạch nối tỉnh Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đã quá tải. Trên tuyến QL này, bình quân mỗi ngày hiện có khoảng 15.000 xe lưu thông/ngày/đêm, dự kiến đến năm 2015 sẽ gia tăng lên 20.000 xe và đến năm 2020 sẽ đạt 30.000 xe, vượt quá khả năng thông hành bình thường của QL 20, nên việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương để giảm tải và thay thế QL 20 hiện nay là yêu cầu cấp thiết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến, dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, kết nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, phục vụ vùng tam giác du lịch bao gồm các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận và góp phần điều tiết lưu lượng giao thông cho QL20 hiện đã quá tải. Do đó, tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ đưa công trình này vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia xúc tiến đầu tư và khởi công xây dựng trong giai đoạn 2015 – 2020.
Để xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng dự án, Bộ GTVT đã giao Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phụ trách dự án này và chỉ đạo Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Ban PPP) hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư và yêu cầu Ban Quản lý dự án 1, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) khẩn trương báo cáo phương án đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Phương án đầu tư bao gồm báo cáo chi tiết cả tuyến, chia đoạn cắt ngang, đoạn nhà nước đầu tư, bảo đảm tính khả thi, hoàn vốn của dự án... nhằm tăng hiệu quả đầu tư và phải hoàn thành trong năm 2014.
Đường cao tốc Đà Lạt - Liên Khương đã hoàn thành sẽ kết nối với đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương |
Box: Đường cao tốc Đà Lạt – Liên Khương sẽ kết nối với đường cao tốc Dầu Giấy – Liên Khương khi hoàn thành và hiện đã được đưa vào khai thác từ ngày 29/6/2014. Đường cao tốc Đà Lạt – Liên Khương dài hơn 19 km, thiết kế 4 làn xe, đạt vận tốc thiết kế 80 km/giờ, được đầu tư xây dựng theo phương thức BOT, với tổng vốn đầu tư 626 tỷ đồng. Theo thiết kế, nền đường đoạn cao tốc này rộng 25 mét, gồm 8 làn xe, nối sân bay Liên Khương với thành phố Đà Lạt. Việc xây dựng tuyến đường cao tốc này giúp rút ngắn thời gian đi từ cảng hàng không Liên Khương đến TP Đà Lạt, góp phần giảm bớt áp lực về giao thông, giảm lưu lượng xe từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Lạt ở “nút thắt” cổ chai dưới chân đèo Prenn, ví trí khởi động cho tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Tiến Hiếu