Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN
Là một trong những nhà cung cấp quan trọng trong chuỗi nông lâm thủy sản thế giới, chủ động thay đổi và chuyển mình, chú trọng ứng dụng chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm xanh, từ đó nâng cao giá trị và tính bền vững của sản phẩm xuất khẩu trở thành yêu cầu bắt buộc với Việt nam.
Thị trường nhập khẩu đang có những thay đổi, chú trọng đến sản phẩm hữu cơ, sản phẩm thân thiện với môi trường và có chứng nhận bền vững buộc Việt Nam phải thích ứng để giữ đà tăng trưởng nông sản ấn tượng. Đáng chú ý gần đây là Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) áp dụng cho một loạt các sản phẩm như cà phê, ca cao, dầu cọ, gỗ và sản phẩm gỗ... vừa được lùi thời gian áp dụng đến tháng 12/2025. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc và hành trình sản phẩm.
Ngoài EUDR, các tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế khác theo hướng bền vững môi trường và trách nhiệm xã hội cũng đang được áp dụng rộng rãi, chẳng hạn như tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ (Organic, EU Organic), chứng nhận trong nuôi trồng thủy sản (ASC, BAP, GlobalGAP), quản lý rừng bền vững (FSC, PEFC)…
Với tiềm năng sản xuất, xuất khẩu lớn sản phẩm lúa gạo, cá tra và trái cây, ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đánh giá, sản xuất xanh, việc chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp bách để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt, việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn… sẽ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí, truy xuất nguồn gốc sản phẩm minh bạch và mở ra cơ hội kết nối thị trường.
Ông Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO), hướng tới xu hướng xuất khẩu xanh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đã bắt đầu áp dụng các bộ tiêu chuẩn để chứng nhận quản lý rừng bền vững bao gồm chứng nhận về tuân thủ luật pháp, bảo vệ môi trường và các tiêu chuẩn lao động. Nếu không tuân thủ, sản phẩm có thể bị từ chối nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp nông sản, đặc biệt là trong ngành rau quả, trà, cà phê và dừa đã đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế và xuất khẩu thành công. Bến Tre đã nắm bắt nhanh xu thế thị trường, giúp doanh nghiệp và nông dân không bị động trong sản xuất. Tại đây, dừa hữu cơ đã trở thành một lựa chọn triển vọng từ mô hình “Vườn dừa hữu cơ kiểu mẫu” với 4,5 ha, đạt tiêu chuẩn quốc tế như USDA, JAS và EU. Đến nay, địa phương này đã xây dựng vùng sản xuất hơn 24.000 ha, chiếm hơn 30% diện tích dừa toàn tỉnh; trong đó hơn 19.200 ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Với thủy sản, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, thị trường nhập khẩu sẽ phân loại sản phẩm theo các nhãn xanh, vàng, đỏ và thêm các yêu cầu về phúc lợi động vật thủy sản. Đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành thủy sản Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị.
Sản phẩm tôm là một trong 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ, doanh nghiệp đang chuyển đổi theo cách tiếp cận là nuôi tôm sạch bệnh, thích nghi và giảm thải ra môi trường. Minh Phú đã tích hợp thành công các công nghệ hàng đầu thế giới với nghệ nuôi tôm sinh học. Nhưng doanh nghiệp vẫn đánh giá cao về tính bền vững của mô hình tôm - lúa, tôm – rừng Việt Nam đang có.
“Để phát huy hiệu quả cần sự hợp tác của nông dân, cần tạo vùng nuôi tôm – lúa lớn để vận hành nguồn nước, thủy lợi giải quyết vấn đề môi trường, dịch bệnh. Nuôi quy mô lớn sẽ áp dụng được cơ giới hóa, giảm giá thành; ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, sản phẩm tôm - lúa, tôm – rừng có khả năng cạnh tranh rất tốt trên thị trường quốc tế”, ông Lê Văn Quang cho biết.
Mặc dù đã chủ động với những bước đi để có các sản phẩm xanh, nhưng việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải gắn với sự quản lý theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế. Việc này đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn, từ giống, đất, phân bón, thức ăn… và các công nghệ sản xuất mới.
Theo các chuyên gia, quy định của thị trường quốc tế đang tạo ra những thách thức lớn đối với nông lâm thủy sản Việt Nam, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn để nâng cao giá trị sản phẩm và gia tăng sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp sản xuất nông lâm thủy sản cần thay đổi tư duy và đầu tư vào công nghệ xanh, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường. Việc này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo ông Tôn Thất Thịnh, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đòi hỏi thay đổi tư duy, cách thức quản lý và tổ chức sản xuất. Để những ứng dụng chuyển đổi số thực sự phát huy hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước."
Việt Nam đã có những mô hình sản xuất tuy nhỏ nhưng xanh như mô hình lúa – tôm. Những mô hình dù nhỏ nhưng chính là mô hình tương lai của nền nông nghiệp xanh cần phải được nhân rộng, tạo sự lan tỏa.
“Nông nghiệp xanh, chuyển đổi số đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là người nông dân phải sẵn sàng thay đổi tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ. Doanh nghiệp nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa sản xuất xanh, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Nhận thức của doanh nghiệp, nông dân về xu hướng, tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp xanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh cần được nâng cao, tạo nền móng cho chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bài cuối: Từ cam kết tới hành động