Nhiều thách thức
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Quý I, kinh tế Việt Nam đối diện nhiều thách thức, nhiều dự báo cho rằng đến quý IV sẽ có những tín hiệu tích cực, song thực tế các doanh nghiệp hiện nay vẫn rất khó khăn, thậm chí khó khăn hơn cả giai đoạn COVID-19 bùng phát do rất nhiều yếu tố, kể cả về đại dịch, cả về biến động địa chính trị.
Hiện nay nhiều ngành hàng ghi nhận mức sụt giảm 30 - 40% lượng đơn hàng, một số thị trường thậm chí đóng băng. Điều này dẫn tới việc cắt giảm lao động tại các nhà máy, các doanh nghiệp. Đáng nói, thực trạng này đang diễn ra ở khá nhiều doanh nghiệp.
Ngay tại các thị trường xuất khẩu truyền thống Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… không chỉ sụt giảm về nhu cầu mà còn ngày càng có yêu cầu cao về các yếu tố bền vững cả về môi trường, xã hội, kinh tế trong toàn chuỗi cung ứng của sản phẩm. Điều này tạo nên thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, những năm qua xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam đạt được tăng trưởng nhanh và mang lại giá trị xuất siêu lớn. Mặc dù vậy, các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam cũng đối mặt sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ...
Sản phẩm xuất khẩu hiện nay đều phải đáp ứng các quy tác xuất xứ hàng hoá nhưng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến hiện không ổn định, giá thành sản xuất cao làm giảm khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia, thị trường có xu hướng đặt rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại thông qua các công cụ điều tra thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, dư lượng hay chương trình thanh tra riêng biệt, quy tắc xuất xứ, môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động…
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, một điểm nghẽn khác của chuỗi cung ứng xuất khẩu hiện nay là chi phí logistics quá cao, trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25% (các nước trong khu vực khoảng 10-15%), trong khi kết nối hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp còn bất cập. Dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi tại nhiều nơi như Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất cả nước thì dịch vụ này lại chậm phát triển.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ chí Minh giữ vai trò là đầu tàu của nền kinh tế cả nước, là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ, luôn đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua. Năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố đạt hơn 110,5 tỷ USD, tăng trưởng 5,1% so với năm 2021; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 47,6 tỷ USD, tăng trưởng 6,1%.
Tuy nhiên, bước vào năm 2023, dưới tác động mạnh mẽ từ các xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến xu hướng tiêu dùng giảm, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, tác động trực tiếp đến quá trình phục hồi, phát triển của kinh tế thành phố.
Theo ông Võ Văn Hoan, TP Hồ Chí Minh gắn liền với vùng kinh tế Đông Nam Bộ, vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế cả nước. Bên cạnh những thuận lợi, hạn chế lớn của khu vực là thiếu tính liên kết, chưa có các chương trình, hoạt động liên vùng đủ mạnh và đi vào thực chất.
Thúc đẩy liên kết xanh
Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, liên kết là yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế nói chung, thúc đẩy xuất khẩu nói riêng. Vấn đề quan trọng là phân công và hợp tác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ giữa các địa phương để khai thác lợi thế của cả vùng; liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm khác để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong cuộc đua tranh với các nước trong khu vực.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện Trưởng viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phân tích thế giới thay đổi nhanh cùng nhiều xu hướng lớn, đáng chú ý nhất là các cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Do đó, các nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng chịu nhiều áp lực về thị trường như đòi hỏi của cách mạng tiêu dùng (xanh, an toàn, nhân văn,...) dẫn dắt bởi tầng lớp trung lưu và thế hệ trẻ. Tuy nhiên tỷ lệ sản phẩm "xanh" đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, nhất là ở các nước châu Âu hiện còn rất thấp.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, những đòi hỏi của người tiêu dùng mới có thể vượt ngoài cả những cam kết trong các FTA, đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội khởi nguồn cho sự hình thành lĩnh vực đầu tư/mô hình kinh doanh mới. Muốn khai thác được cơ hội, doanh nghiệp cần chú trọng tối ưu hoá chuỗi cung ứng, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng xanh, đáp ứng xu hướng tiêu dùng thế giới. Tuy nhiên, chỉ nỗ lực của doanh nghiệp là chưa đủ, nhà nước và cơ quan quản lý cũng cần thay đổi tư duy, nhận thức; cải cách thể chế, khung khổ pháp lý và chính sách; đào tạo; truyền thông tạo điều kiện để các chuỗi liên kết cung ứng xanh phát triển.
Ông Võ Văn Hoan cho rằng, trước sức ép của tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cùng với những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, thế giới đang đứng trước những xu hướng mới, nếu không theo kịp thì chúng ta sẽ tụt hậu và bị loại khỏi cuộc chơi. Với 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết và có hiệu lực, việc tuân thủ luật chơi mới về thương mại và đầu tư, đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định mà còn giúp hàng hóa của nước ta rộng đường xuất khẩu và hưởng những ưu đãi về thuế của quốc gia nhập khẩu với các điểm cộng thể hiện tính có trách nhiệm như sản xuất xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.
Với vai trò là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng các phương án, giải pháp, chương trình hành động đẩy liên kết vùng về thương mại, dịch vụ, đề xuất chiến lược phát triển kinh tế vùng từ chuỗi sản xuất, thương mại và dịch vụ trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Về dài hạn, chiến lược liên kết vùng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đều hướng tới xuất khẩu xanh, phù hợp với định hướng phát triển bền vững cũng như đáp ứng các yêu cầu quốc tế về kinh tế tuần hoàn.