Xuất khẩu thủy sản lạc quan trong năm mới

Dù thời tiết không thuận lợi, giá xăng dầu tăng làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác… nhưng năm qua, thủy sản vẫn là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông sản Việt. Bước sang năm 2014, ngành thủy sản tiếp tục lạc quan với mục tiêu xuất khẩu đạt 6,5 tỉ USD.


Nhiều bất cập


Năm 2013 ghi dấu ấn “lên ngôi” trong kim ngạch xuất khẩu tôm có phần của con tôm thẻ chân trắng. Phong trào nuôi phát triển rầm rộ tại nhiều tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Người dân thậm chí còn phá vườn, lấn biển… để đào ao đưa nước mặn vào nuôi tôm, trong đó tôm thẻ chân trắng đang là đối tượng ưu tiên được chọn nuôi. Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) lo lắng: “Về lâu dài, nếu không kiểm soát tốt việc nuôi loại tôm này sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể của ngành nông nghiệp. Nhiều địa phương lo diện tích, sản lượng tôm sú sẽ bị ảnh hưởng vì con tôm sú vốn là mặt hàng độc quyền, ưu thế của doanh nghiệp trong nước”.

Xuất khẩu thủy sản vươn lên trong khó khăn, góp phần giúp ngành nông nghiệp đạt chỉ tiêu đề ra.


Theo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, sang năm mới cơ hội của con tôm sẽ có khả năng khó duy trì thế “thượng phong” như thời gian qua. Nguyên nhân, sau một năm thất bát, hiện những nước sản xuất tôm vốn là “đối thủ” của Việt Nam như Thái Lan, Trung Quốc… đang phục hồi và tăng sản lượng cung cấp ra thị trường. Do đó, giá tôm có khả năng giảm và sự cạnh tranh cung cấp nguyên liệu tôm sẽ trở nên gay gắt hơn.


Riêng cá tra vẫn còn những khó khăn. Thực tế có nhiều tồn tại đang tác động trực tiếp đến việc XK của ngành hàng này, gồm: con giống chưa đạt chất lượng, tình trạng ô nhiễm môi trường nước làm gia tăng dịch bệnh, hiệu quả sản xuất thấp, lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân chưa tương xứng, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp…


Tương tự như nhiều mặt hàng nông sản khác, đến nay hầu hết sản phẩm thủy sản của Việt Nam đều được XK thô là chính nên chưa được người tiêu dùng trên thế giới biết đến. Chính điều này khiến giá XK nhóm hàng thủy sản Việt Nam thường rất thấp so với các nước trong khu vực. Nhiều quốc gia nhập khẩu thủy sản của doanh nghiệp trong nước, sau đó tiến hành sơ chế, dán thêm nhãn mác đưa ra thị trường với giá bán tăng lên gấp nhiều lần. “Vì vậy, để tăng giá trị XK, các doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng cho được thương hiệu thủy sản Việt Nam và đây là việc làm cấp bách”, ông Hòe cho biết thêm.


Sẽ tiếp tục tăng trưởng


“Điểm nổi bật nhất của XK thủy sản năm qua là sự vươn lên bất ngờ của tôm thẻ chân trắng khi lần đầu tiên vượt qua tôm sú cả về sản lượng cũng như giá trị XK. Chính điều này đã giúp ngành thủy sản bù đắp được sản lượng tôm bị sụt giảm tại nhiều nước đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tôm”, ông Hòe cho hay.


Nhìn về thị trường năm 2014, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Trong thời gian tới, cần quan tâm đến thị trường Trung Quốc, một thị trường sẽ có những tác động chi phối đến hoạt động xuất khẩu thủy sản. Do các thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á có lợi thế về địa lý, người tiêu dùng lại có xu hướng chuyển tiêu dùng từ thịt gia súc, gia cầm sang thủy sản…, các doanh nghiệp chế biến và XK thủy sản nước ta vẫn có nhiều cơ hội mở rộng thị phần. Hiện các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực quy hoạch vùng nuôi, kiểm soát tốt về con giống, thường xuyên rà soát vùng nuôi tôm… đảm bảo tuân thủ tốt những tiêu chí do nhà nhập khẩu đưa ra.


Riêng về cá tra, mục tiêu của ngành thời gian tới là đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Theo đó, hai thị trường tiềm năng sẽ được tập trung các giải pháp xúc tiến mạnh là Trung Quốc và Ấn Độ. Song song đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiêu thụ cá tra tại thị trường trong nước. Mục tiêu của ngành thủy sản đặt ra trong 2 năm tới phải tăng 100% lượng cá tra tiêu thụ nội địa. “Nếu tình hình nuôi trồng, sản xuất thủy sản không có biến cố lớn, mục tiêu của ngành thủy sản năm 2014 với kim ngạch XK xấp xỉ đạt 6,5 tỷ USD sẽ khả thi”, ông Điền lạc quan.

Kết thúc năm 2013, tổng sản lượng XK các mặt hàng thủy sản ước đạt khoảng 6 triệu tấn, tăng hơn 2% so với năm 2012, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, sản lượng khai thác đạt hơn 2,7 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt gần 3,5 triệu tấn, góp phần đưa kim ngạch XK mặt hàng này đạt mức tăng trưởng khoảng 10,7% với giá trị khoảng 6,7 tỷ USD.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN