Đơn cử, hàng hóa được coi là có xuất xứ ASEAN nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ trong khu vực này cũng như đáp ứng được các yêu cầu cụ thể về quy tắc xuất xứ trong hiệp định tại phụ lục 3 - Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng.
Thống kê từ Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với vị trí địa lý gần gũi, ASEAN là khu vực thị trường tiềm năng cho hàng Việt.
Ở chiều nhập khẩu, trong 6 tháng kim ngạch đạt 21,2 tỷ USD, tăng tới 50,5% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 13,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Với tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu cao hơn nhiều so với xuất khẩu nên con số nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường ASEAN đã lên đến 7,3 tỷ USD so với mức 3,2 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2020.
Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philipinnes, Campuchia… với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hàng tỷ USD/thị trường.
Ngoài ra, trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam và các nước ASEAN đã thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) năm 2010 và đang thực hiện cắt giảm thuế quan.
So với các hiệp định khác, cam kết cắt giảm trong ATIGA là cao nhất và nhanh nhất. Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm vào năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong toàn ASEAN đạt hơn 98,6%.
Với dân số khoảng 650 triệu người, tổng GDP khoảng hơn 3.111 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm, ASEAN được xem là thị trường đặc biệt quan trọng của Việt Nam và là thị trường đầu tiên cho các sản phẩm của Việt Nam thử sức cạnh tranh trước khi bước ra thị trường thế giới.
Trên thực tế, dù có nhiều ưu đãi, lợi thế về địa lý nhưng ASEAN cũng mới chỉ được xem là thị trường "cơ hội", "tiềm năng", đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt để gia tăng lượng hàng xuất khẩu.
Do đó, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi khuyến cáo đã đến lúc các doanh nghiệp cần cập nhật và nắm chắc các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng và đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất và bảo quản, chú trọng tới bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói.
Đáng lưu ý, trong quá trình xuất khẩu, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu và tự giải quyết những vấn đề phát sinh; kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng và các thương vụ Việt Nam tại thị trường để được hỗ trợ, tư vấn.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm hợp tác với các nhà phân phối uy tín bản địa để có thể đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn.