Xuất khẩu nông sản sẽ khởi sắc trở lại

Theo các chuyên gia nông nghiệp, sau nửa năm gặp khó khăn trong sản xuất do hiện tượng EL Nino gây ra, xuất khẩu nông sản của Việt Nam được dự báo sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2016 do lượng mưa sẽ tăng trong những tháng tới, đồng thời nhu cầu tiêu dùng ở các nước phát triển cũng tăng trở lại.

Nhiều áp lực

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (ISPARD), tính đến cuối tháng 5/2016, hạn hán và xâm mặn đã làm sản lượng lúa đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,13 triệu tấn. Nước biển xâm nhập sâu hơn thông thường trung bình hàng năm từ 10 - 25 km cũng khiến sản lượng tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14%. Ngoài ra, hạn hán còn làm một số diện tích cà phê chết khô, năng suất kém, năng suất trái cây có múi và dừa, hạt tiêu đều giảm mạnh.

Trong quý I/2016 xuất khẩu nông sản Việt Nam phục hồi nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm. Cụ thể xuất khẩu gạo, cà phê, giảm trên các thị trường lớn và truyền thống như: Đức, Mỹ, Nhật, Bỉ, Nga… xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Philippines cũng giảm. Xuất khẩu đồ gỗ, hồ tiêu, hạt điều tăng khá nhưng chưa bù đắp được sự suy giảm trên.

Đóng gói cà phê xuất khẩu tại Tổng công ty Cà phê Việt Nam (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù sản lượng gạo giảm do ảnh hưởng của thời tiết nhưng tồn kho gạo ở Trung Quốc, Indonesia, Phillipines vẫn còn cao.

Một yếu tố khác gây bất lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam là việc hàng loạt ngân hàng trung ương các quốc gia đã có xu hướng giảm giá dòng nội tệ để tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa. Ví dụ đồng Real của Brazil giảm 42% so với USD, đồng Peso của Colombia giảm 37%, đồng Rupee của Ấn Độ giảm 5%, đồng Rupiah của Indonesia giảm13%, đồng Baht của Thái giảm 5%, trong khi VND chỉ giảm 3% so với đồng USD. Điều này làm cho giá hàng nông sản Việt Nam cao hơn các nước và làm giảm khả năng cạnh tranh.

Nâng cao giá trị xuất khẩu

Theo các chuyên gia nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp được dự đoán phục hồi trong nửa cuối năm 2016 do hiện tượng La Nina làm tăng lượng mưa tại Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo, trong thời gian tới, giá nông sản sẽ tương đối ổn định, không có cú sốc nào về giá. Do đó, Việt Nam nên tập trung vào nâng cao chất lượng, chế biến theo chiều sâu, chú trọng phát triển thị trường tiềm năng.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện ISPARD cho rằng, trong ngắn hạn Việt Nam phải chú trọng khắc phục được diễn biến bất lợi của thiên tai, dịch bệnh và chất lượng thực phẩm để đáp ứng nhu cầu nông sản của thế giới cao hơn so với các năm trước. Còn về dài hạn, phải tái cơ cấu các ngành hàng và kéo được các doanh nghiệp vào để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, giảm giá thành. Ví dụ: cà phê, lúa gạo, hồ tiêu, thủy sản… như vậy mới bắt được cơ hội khi giá nhích lên.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng rau quả Việt Nam sẽ hưởng lợi từ căng thẳng trong quan hệ thương mại Trung Quốc - Phillipines. Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt lên chuối nhập khẩu từ Phillipines. Hong Kong (cửa ngõ vào Trung Quốc đại lục) nhập khẩu đến 70% khối lượng xoài từ Philippines. Các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ,Australia, NewZealand, Hàn Quốc, EU... cũng có nhu cầu rất lớn về rau quả Việt Nam nên còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Ông Phạm Quang Diệu, Công ty Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam - AgroMonitor cũng cho rằng, việc xả kho 11 triệu tấn của Chính phủ Thái Lan trong vòng 1 - 2 tháng tới là phi thực tế. Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc giữa xả kho và giữ ổn định mặt bằng giá lúa gạo của nông dân. Cần lưu ý, lượng gạo xả kho chủ yếu là lượng gạo cũ, chất lượng thấp. Trong khi đó, nhu cầu Indonesia, Malaysia, Philippines là gạo vụ mới nên không có sức ép đáng kể nào lên gạo vụ mùa mới của cả Thái Lan và Việt Nam.

TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (ISPARD) cho rằng, bên cạnh các thị trường truyền thống cần mở rộng xuất khẩu nông sản tại các thị trường tiềm năng. Trong đó, lúa gạo còn có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường châu Phi và EU. Mặt hàng cà phê nên tìm kiếm các thị trường mới như: Anh, Ba Lan, Séc, Hà Lan, Phần Lan, Bungari. Các thị trường như Nhật Bản, Hoa Kỳ,Australia, NewZealand, Hàn Quốc… cũng có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng rau quả của Việt Nam.

Về lâu dài, để xuất khẩu nông sản bền vững, TS Nguyễn Trung Kiên (ISPARD) kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản. Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu trong xuất khẩu, nhưng các mặt hàng chủ lực như: gạo, cà phê, hồ tiêu hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, giá trị gia tăng của hàng hóa còn thấp. Do đó, muốn nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản phải tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và đặc biệt chú trọng đến khâu chế biến.

H.V
 Xuất khẩu nông sản tăng gần 5%
Xuất khẩu nông sản tăng gần 5%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 5 năm 2016 ước đạt 2,32 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2016 đạt 12,18 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN