Người lao động tại xưởng chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty Bianfishco, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Ngay từ đầu năm 2017, cá tra Việt Nam đã gặp một sự cố truyền thông nghiêm trọng khi bị một đài truyền hình Tây Ban Nha thông tin hoàn toàn không đúng sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của cá tra Việt ở thị trường EU.
Không lâu sau đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế chống bán phá giá trong đợt rà soát hành chính lần thứ 12 (POR12) khá cao đối với sản phẩm cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam. Những khó khăn này tưởng chừng sẽ “nuốt chửng” ngành cá tra, thế nhưng trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vẫn ghi nhận có sự tăng trưởng nhẹ và xuất hiện một số thị trường mới nổi quan trọng.
Xuất hiện thị trường mới Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt trên 665 triệu USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ và EU sụt giảm mạnh nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc, Brazil, Mexico tăng mạnh đã giúp cho giá trị xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng nhẹ.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương kiêm Phó Chủ tịch VASEP cho biết, xuất khẩu của cá tra Việt Nam trong thời gian gần đây đã mở rộng thêm một số thị trường mới quan trọng, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á đang có sự phát triển mạnh mẽ.
Riêng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Dù chỉ là thị trường mới nổi trong vài năm gần đây, nhưng tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở hai con số và đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 20% thị phần xuất khẩu của toàn ngành cá tra, đứng sau đó là Hoa Kỳ và EU.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong số những thị trường mới nổi của cá tra Việt lại là thị trường Nhật Bản. Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, dù tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang thị trường này còn thấp, song các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý khi xuất sang thị trường này. Bởi đây là một trong những thị trường nhập khẩu được đánh giá là “khó tính” nhất hiện nay, phần lớn người tiêu dùng thế giới đều nghĩ rằng Nhật Bản có khâu kiểm soát chất lượng rất gắt gao và cũng là thị trường chấp nhận mức giá bán cao. Do vậy, việc duy trì xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác truyền thông về vấn đề chất lượng, uy tín của cá tra Việt Nam.
Ngoài việc xuất hiện một số thị trường mới nổi, trong 6 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu cá tra cũng ghi nhận một “điểm sáng” khác, đó là giá cá tra xuất khẩu đã tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Dương Ngọc Minh, tại thị trường Hoa Kỳ, cá tra đã có mức giá bán cao hơn so với cá rô phi của Trung Quốc. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng nước này thực sự ưa thích cá tra và chấp nhận bỏ tiền mua với giá bán cao hơn. Đồng thời, có thể khẳng định mặt hàng cá tra sẽ tiếp tục tăng trưởng về giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.
Còn nhiều thách thức Nhận định của các doanh nghiệp cho thấy, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường, nhất là Hoa Kỳ và EU tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm 2017.
Theo VASEP, sự cố cá tra Việt ở thị trường EU bị truyền thông nước ngoài “bôi bẩn” vẫn đang ảnh hưởng xấu đến tình hình tiêu thụ của các doanh nghiệp ở thị trường này. Không những vậy, cá tra Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng bản địa khác như cá Alaska pollock, cá tuyết…
Còn tại Hoa Kỳ, cá tra xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thuế chống bán phá giá cao. Dù là thị trường lớn tiềm năng, nhưng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường này lại mang tính phòng vệ quá mức, vượt quá yêu cầu về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm. Nhất là kể từ ngày 1/9/2017, cá da trơn nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải thực thi đầy đủ quy định Đạo luật Nông trại Hoa Kỳ (Farm Bill). Cục Thanh tra An toàn thực phẩm của Hoa Kỳ (FSIS) sẽ tiến hành kiểm tra lấy mẫu 100% lô hàng sản phẩm cá tra nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám lưu ý các doanh nghiệp không được “lơ là”, “mất cảnh giác” ở hai thị trường này bởi đây là những thị trường quan trọng của cá tra xuất khẩu, biểu thị cho uy tín, chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp cũng phải “làm quen” dần với những rào cản kỹ thuật như Farm Bill; thậm chí kể cả những thông tin truyền thông mang tính bôi nhọ như sự cố cá tra ở Tây Ban Nha vừa qua.
Những rào cản này không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành cá tra tập trung vào việc cải tiến, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Chỉ cần sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, có giá trị khác biệt thì cá tra Việt sẽ không còn phải lo ngại về những rào cản gắt gao nhất của các thị trường nhập khẩu.
Ngay cả thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nhật Bản… hiện đang có mức tăng trưởng khá ấn tượng, tuy nhiên xuất khẩu cá tra sang những thị trường này vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không kiểm soát chặt chẽ vấn đề chất lượng cá tra xuất khẩu, bản thân các doanh nghiệp không nâng mức cảnh giác cao độ về vấn đề chất lượng thì hình ảnh, uy tín của cá tra Việt sẽ khó giữ được.
Để phát triển bền vững ngành cá tra Việt Nam cũng như đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra kể từ khâu sản xuất.
Đáng chú ý, kể từ ngày 1/7/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai Nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra thay thế cho Nghị định 36 trước đây. Theo các doanh nghiệp, Nghị định này sẽ giúp hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi hướng đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của các thị trường.