Xu thế phát triển thành phố thông minh của các đô thị

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển của các đô thị trên thế giới và tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực về chính sách, môi trường đầu tư, ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành phố.

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 diễn ra từ ngày 2 – 3/12/2024 tại Hà Nội, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội nghị ngày 2/12, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - châu Á 2024” là sự kiện quan trọng, nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Đây còn là diễn đàn lớn để Hà Nội và các địa phương thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững”.

Chú thích ảnh
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Với chủ đề xuyên suốt: “Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững”, hội nghị là cơ hội để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu xây dựng những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh, năng lượng sạch và môi trường bền vững… nhằm tạo động lực quan trọng để Hà Nội và các địa phương hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị xanh, thông minh.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết: “Đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%, đạt ngang tầm châu Á, kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Với tốc độ đô thị hóa đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng về chính trị, kinh tế, công nghệ… và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ mới là câu trả lời”.

Thực tế, Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư, lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành phố. Cả nước hiện có 48/63 tỉnh, thành phố đã triển khai các đề án thành phố thông minh.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự hội nghị.

Chia sẻ tại hội nghị về các đô thị thông minh, bền vững khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), Phó giáo sư Nguyễn Quang Trung đã đại diện Nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT trình bày các kết quả nghiên cứu về thành phố thông minh và bền vững (SSC) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, nghiên cứu đã chỉ ra sự chênh lệch rõ rệt trong phát triển đô thị thông minh và bền vững tại APAC. Singapore, Seoul, Sydney và Tokyo là những thành phố dẫn đầu nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiệu quả và có sự tham gia tích cực của người dân. Trong khi đó, các thành phố như Jakarta, Manila và TP Hồ Chí Minh cần phải nỗ lực nhiều hơn để vượt qua các thách thức về hạ tầng và nguồn lực, điều này đòi hỏi ưu tiên phát triển SSC và triển khai các hệ thống quản trị thông minh.

Trong khuôn khổ hội nghị, Lễ trao Giải thưởng Thành phố thông minh, Lễ Trao Giải thưởng Sáng tạo tương lai (VietFuture) – Giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho các sinh viên và Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản (Japan ICT Day) sẽ được tổ chức. 

XM/Báo Tin tức
Thương hiệu và nhà sáng tạo nội dung số - Từ ‘cộng tác’ sang ‘cộng hưởng’
Thương hiệu và nhà sáng tạo nội dung số - Từ ‘cộng tác’ sang ‘cộng hưởng’

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 30/11, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) phối hợp cùng Báo VnExpress và Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT tổ chức Ngày hội các Nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (Vietnam iContent 2024).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN