Xử lý gần 96% nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, theo số liệu tổng hợp của các địa phương tính đến hết năm 2018, nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giảm được khoảng 95,7% so với tổng số nợ 15.218 tỷ đồng vào thời điểm tháng 1/2016.

Hiện, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới là 651,8 tỷ đồng, giảm hơn 4.298 tỷ đồng so với tháng 1/2018. 

Chú thích ảnh
Nhân dân ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tham gia phát triển giao thông nông thôn. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Thành phố Hải Phòng là địa phương tự cân đối ngân sách còn nợ 195,2 tỷ đồng; còn 7 tỉnh có số nợ đọng trên 40 tỷ đồng là Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Bình và Phú Thọ. Hiện có 50 tỉnh, thành phố cơ bản đã xử lý xong và không còn nợ đọng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, hầu hết các địa phương đã nỗ lực xử lý xong nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, cơ bản hoàn thành tiến độ theo Nghị quyết số 32/2016/QH14 của Quốc hội.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, kết quả này có được là do điều chỉnh quy định của pháp luật, cho phép chính quyền địa phương được sử dụng 8% tiền thuế sử dụng đất thu được ở cấp xã để phục vụ thanh toán tiền nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ đó, góp phần giảm mạnh khối lượng nợ đọng, mà Chính phủ và các địa phương không phải bố trí nguồn vốn chi trả.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã có chỉ đạo, năm 2019 sẽ không công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới nếu có nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Tính đến hết năm 2018, cả nước đã có 3.787 xã (42,4%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8,02% so với cuối năm 2017. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã (133/133 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; còn 21 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 92 xã so với cuối năm 2017.

Đến nay, đã có 61 đơn vị cấp huyện của 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 18 huyện so với cuối năm 2017 và vượt mục tiêu năm 2018, hoàn thành vượt mục tiêu của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra. 

Cũng theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình khoảng 322.174,8 tỷ đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương là 8.719 tỷ đồng; đối ứng từ ngân sách địa phương 29.935,2 tỷ đồng (chiếm 9,3%); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 34.127,9 tỷ đồng (chiếm 10,6%); vốn tín dụng 217.336,7 tỷ đồng (chiếm 67,5%); vốn doanh nghiệp 13.720,8 tỷ đồng (chiếm 4,3%); vốn cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp 18.335,2 tỷ đồng (chiếm 5,7%).

Thành Trung (TTXVN)
Nợ đọng xây dựng cơ bản không được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới
Nợ đọng xây dựng cơ bản không được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

Để đảm bảo chất lượng việc thẩm định, xét, công nhận,xã đạt chuẩn nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đề nghị các địa phương rà soát, nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định, tuyệt đối không xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nếu nợ đọng xây dựng cơ bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN