Xóa nghèo nhờ tín dụng chính sách xã hội

Không chỉ hỗ trợ các hộ nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, chương trình tín dụng chính sách xã hội ở TP Hồ Chí Minh còn góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Chương trình tín dụng chính sách xã hội ở TP Hồ Chí Minh còn góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn. Ảnh: Trần Việt

Hỗ trợ người dân vượt bão COVID-19

Từ đầu năm nay, thu nhập ở tiệm tạp hóa nhỏ của gia đình chị Bùi Thị Mai ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng đáng kể do đại dịch COVID-19 mang lại. Để cải thiện tình hình buôn bán ế ẩm, gia đình chị đã quyết tâm vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh để đa dạng hóa các mặt hàng, mua thêm tủ kệ đựng đồ, tủ bán kem… Cùng với đó, bản thân chị còn nhận thêm đồ về may vá nhằm tạo việc làm cho các thành viên khác trong nhà, tăng hiệu quả của đồng vốn vay.

Theo chị Mai, nhờ có khoản vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, việc buôn bán của gia đình chị đã dần trở nên thuận lợi hơn, thu nhập theo đó cũng ổn định; đồng thời áp lực tiền bạc khi con cái muốn học thêm, mua sắm sách vở cũng giảm bớt.

Thực tế, đây không phải là lần đầu chị Mai tìm đến chương trình tín dụng chính sách xã hội. Lúc đầu, gia đình chị cũng chỉ được vay vài chục triệu đồng, tuy nhiên nhờ tuân thủ các điều kiện trả lãi, mà nay có thể vay tới 100 triệu đồng với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng.

“Rất may, Nhà nước có chương trình tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm. Nếu không, với điều kiện của gia đình tôi, để vay được đồng vốn làm ăn là không phải dễ, do không có tài sản thế chấp”, chị Mai chia sẻ.

Cũng với mục đích vay vốn làm ăn, cách đây vài năm, anh Nguyễn Phương Hải ở Quận 12, TP Hồ Chí Minh đã mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để đầu tư vào chăm sóc và mở rộng quy mô sản xuất vườn mai của gia đình.

Nhờ khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp và chính sách thanh toán chậm, anh Hải có thể chuyên tâm đầu tư vào cây mai mà không bị áp lực trả nợ. Từ vườn mai với khoảng 300 gốc mai ghép, đến nay thu nhập của gia đình anh Hải lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm, kinh tế gia đình dần ổn định hơn.

Không chỉ riêng trường hợp của chị Mai và anh Hải, hàng ngàn người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cải thiện đời sống nhờ tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố. Dù nguồn hỗ trợ không nhiều nhưng đã giúp người vượt qua những khó khăn, nhất là trong những tháng đầu năm nay do đại dịch COVID-19 mang lại.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố đạt 5.079 tỷ đồng, tăng 12,8% so với thời điểm cuối năm 2019, với 142.784 khách hàng còn dư nợ. Các chương trình tín dụng chính sách đều có sự tăng trưởng; trong đó chương trình cho vay giải quyết việc làm tăng nhiều nhất, tăng 542 tỷ đồng so với cuối năm 2019.

Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã tham mưu, giúp cho gần 346.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, kịp thời khắc phục thiệt hại sau đại dịch COVID-19.

Không những vậy, đơn vị này còn góp phần giúp cho gần 80.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 155.000 lao động; hỗ trợ gần 5.300 lượt hộ gia đình bị thu hồi đất có vốn làm ăn; hỗ trợ cho 126 lượt người sống chung với HIV, người sau cai nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng có vốn làm ăn, khởi nghiệp...

Chung tay đẩy lùi tín dụng đen

Khác với các ngân hàng thương mại, mô hình hoạt động tín dụng chính sách xã hội có điểm khá đặc biệt. Đó là có sự phối hợp giữa đơn vị ngân hàng với chính quyền địa phương và các hội đoàn thể như hội nông dân, phụ nữ, thanh niên… Việc quản lý hộ vay được thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn mà ngân hàng chính sách xã hội, các đoàn thể… đã xây dựng ở từng khu phố, từng ấp.

Từ thực tế làm “cầu nối” giữa nông dân có nhu cầu vay vốn và ngân hàng chính sách xã hội, ông Lê Thành Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thạnh Lộc, Quận 12 cho biết, việc vay vốn không cần tài sản đảm và lãi suất ưu đãi đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân có nguồn lực để tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống và thu nhập. Trên địa bàn phường, đã có nhiều hộ nông dân trên địa bàn phường thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn vay ưu đãi này.

“Sau khi được tổ tiết kiệm vay vốn giới thiệu, chúng tôi sẽ xuống cơ sở để nắm bắt tình hình và nhu cầu sử dụng vốn của nông dân, đánh giá sơ bộ hiệu quả đầu tư của dự án. Sau khi vốn vay được giải ngân thì sẽ kiểm tra 2 lần/năm, hoặc đột xuất khi cần nhằm động viên người dân sản xuất, sử dụng đúng mục đích vay vốn, qua đó nâng mức sống, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống”, ông Lê Thành Hiếu chia sẻ về quá trình vay vốn tín dụng chính sách ở địa phương.

Theo ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cũng nhờ có sự chung tay của các đoàn thể mà hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Tp.Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều người dân, nhất là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đã tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi này để ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững.

Cũng theo ông Tiên, hiện ngân hàng đang tập trung triển khai Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; trong đó, trọng tâm là tham mưu cho cấp ủy chính quyền thành phố  bố trí nguồn vốn từ ngân sách để cho vay giải quyết việc làm và chương trình giảm nghèo bền vững. Trong thời gian qua, chương trình tín dụng chính sách xã hội đã nhận được sự phản hồi tích cực từ người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy vậy, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở TP Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là vấn đề thiếu vốn. Bởi lẽ, với một thành phố đông dân và lực lượng lao động nghèo nhiều như Tp.Hồ Chí Minh thì đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách là rất lớn, trong khi nguồn vốn từ Trung ương và thành phố lại có hạn nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Để đồng vốn tín dụng chính sách xã hội được sử dụng hiệu quả nhất, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị kế hoạch bố trí vốn cho giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, xác định đúng các đối tượng thụ hưởng, thông qua việc phối hợp xây dựng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các địa phương triển khai tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo nhu cầu vay của của đúng đối tượng thụ hưởng đã góp phần quan trọng trong việc ổn định cuộc sống cho người dân, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của gia đình và địa phương. Không những vậy, chương trình còn góp phần từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi hiện nay.

H.Chung (TTXVN)
Ngân hàng Chính sách xã hội đã nhận 16.000 tỷ đồng tái cấp vốn
Ngân hàng Chính sách xã hội đã nhận 16.000 tỷ đồng tái cấp vốn

Sáng 14/5, tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tổ chức ở Hà Nội nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngày 13/5 Ngân hàng Nhà nước đã trích chuyển đủ 16.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN