Những năm qua, với nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách đến phát triển hạ tầng, vận tải hành khách công cộng, tổ chức giao thông…, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, việc triển khai các dự án giao thông đường bộ còn chậm trong khi trên địa bàn, phương tiện cá nhân vẫn tăng nhanh, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp.
Taxi từ chối phục vụ vì sợ ùn tắc
Từ khi những toà nhà chọc trời của tập đoàn Mường Thanh mọc lên tại khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm thì cư dân ở khu vực này tăng vọt, Linh Đàm giống như một ốc đảo khiến khu vực này trở thành một điểm nóng ùn tắc giao thông.
Mới đây, Hà Nội thông xe cầu vượt sông Tô Lịch nối từ khu đô thị sang đường Kim Giang, người dân ở đây hy vọng áp lực giao thông sẽ được giải tỏa. Nhưng do lưu lượng phương tiện qua khu đô thị gia tăng khiến tại các "nút thắt" từ khu đô thị ra các trục đường Giải Phóng, Kim Giang, tình hình giao thông vẫn luôn căng thẳng vào những giớ cao điểm, ngay cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật.
Chị Thủy, cư dân khu đô thị Linh Đàm cho biết, khu đô thị này tập trung taxi của rất nhiều hãng, nhưng vào những giờ cao điểm gọi xe rất khó. Không chỉ phải chờ đợi lâu mà còn thường xuyên bị từ chối phục vụ. "Có lần 9 giờ sáng tôi gọi Grab đi bến xe Giáp Bát. Lên được xe rồi nhưng phải nghe bác tài lầu bầu vì không thể đi theo đường chính để ra đường Giải Phóng mà phải "đánh võng" qua các ngõ ngách, mất hơn nửa tiếng mới ra được bến xe", chị Thủy than thở.
Nhiều ý kiến lo ngại Hà Nội mở đường đến đâu ùn tắc giao thông sẽ theo đến đó nếu các khu đô thị, chung cư cứ mọc lên dày đặc hai bên tuyến đường như hiện nay.
Điển hình như đường Lê Văn Lương kéo dài (nay gọi là đường Tố Hữu) khi mới được đưa vào sử dụng, người dân kỳ vọng có đường "thông, thoáng", giảm tải lưu lượng phương tiện cho đường Nguyễn Trãi, đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường này là nỗi ám ảnh của các bác tài mỗi khi qua lại khu vực ngã tư Tố Hữu - Trung Văn, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, kể cả vào cuối tuần.
Ngay cả tuyến đường vành đai 3, khi đoạn từ cầu Thanh Trì đến Mai Dịch (tức các đường Pháp Vân, đường Nghiêm Xuân Yêm, đường Nguyễn Xiển, đường Khuất Duy Tiến, đường Phạm Hùng) được mở rộng giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực này. Nhưng không lâu sau đó, tuyến đường bị các khu đô thị bủa vây thì nhiều điểm ách tắc nghiêm trọng lại xảy ra.
Chỉ tính riêng cư dân khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ; khu đô thị Linh Đàm của tập đoàn Mường Thanh đã nhồi nhét gần chục vạn người. Tại tòa nhà HH chung cư Linh Đàm mỗi tòa nhà xây tới 40 tầng, mỗi tầng chứa gần 30 căn hộ, khiến người dân ở đây phải chịu cảnh ùn tắc ngay từ cửa thang máy cho tới khi hòa vào những "con đường đau khổ" vì tắc nghẽn giao thông.
Lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết, điều mà phường lo lắng nhất hiện nay là tình trạng ùn tắc giao thông và phòng cháy chữa cháy khi mật độ xây dựng quá dày đặc, điển hình là các tòa chung cư HH ở khu đô thị Linh Đàm. Hiện nay, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai có thể được coi là phường có mật đô dân cư đông nhất Hà Nội. Tính đến tháng 6/2019, trên địa bàn phường có 78 tòa nhà và khoảng 8 vạn dân, trong đó dân gốc chỉ vẻn vẹn 1,4 vạn người.
Vẫn còn nhiều điểm đen
Những năm qua, liên ngành giao thông vận tải và Công an thành phố đã tăng cường phối hợp khảo sát, nghiên cứu sắp xếp, tổ chức giao thông hợp lý trên địa bàn, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quá trình phối hợp thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố, hiện nay, việc tổ chức giao thông trong các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại. Những vấn đề về ùn tắc giao thông, đô thị chưa được Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo giải quyết triệt dẫn đến tình trạng phương tiện dừng, đỗ, đón trả khách diễn ra phổ biến, gây ùn tắc giao thông tại khu vực này. Việc tổ chức giao thông tại cổng các trường học trên địa bàn còn những hạn chế nhất định.
Trong thời gian phụ huynh học sinh đưa, đón con em đi học thường xảy ra tình trạng ùn ứ giao giao thông. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có một số tuyến đường do đang trong quá trình thi công, hoàn thiện để đưa vào sử dụng nên việc tổ chức giao thông còn nhiều hạn chế, dẫn đến những vấn đề phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Nhiều khu đô thị, khu chung cư, nhà cao tầng được xây dựng nhưng chưa đồng bộ kết nối giữa đường nội bộ và hệ thống giao thông chung của thành phố dẫn tới nhiều nơi, nhiều địa bàn giao thông chưa hợp lý. Và khi những bất cập trên chưa được giải quyết thì nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tái diễn.
Ùn tắc giao thông gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, gây áp lực cho mỗi người dân, mỗi gia đình. Hình ảnh đường Giải Phóng thênh thang tiến vào nội đô chỉ còn là dĩ vãng khi tuyến đường này giờ đây như những "dòng sông chết" vào những giờ cao điểm với biển xe nhích từng bước một suốt từ điểm giao với đường Đại Cồ Việt đến tận đường rẽ vào khu đô thị Linh Đàm. Người ta lo ngại nếu Hà Nội không kiểm soát được tốc độ xây dựng các tòa chung cư thì tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra tại các trục đường hướng tâm như đại lộ Thăng Long; đường Võ Chí Công…
Đã có người phải bán nhà xây hàng chục tỷ ở Hà Đông để thoát thân vì không chịu nổi cảnh thường xuyên ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi…Để giải quyết ùn tắc giao thông cho Thủ đô đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp tổng thể, triển khai đồng bộ để xóa các điểm đen ùn tắc giao thông.
Bài cuối: Giải pháp tháo gỡ