Xe quá tải tàn phá cầu đường - Bài 2: Quốc lộ kêu cứu

Hầu hết các tuyến quốc lộ (QL) huyết mạch chạy qua các địa phương đều đang kêu cứu về tốc độ xuống cấp. Chỉ sau thời gian ngắn nâng cấp, làm mới, mặt đường nhiều QL đã bị phá vỡ kết cấu, lún võng, tạo thành nhiều ổ voi, làm đọng nước mỗi khi trời mưa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các phương tiện khi tham gia giao thông và sinh hoạt cộng đồng. Nếu không sớm có các biện pháp ngăn chặn, thì kinh phí sửa chữa sẽ sớm “vượt” qua vốn đầu tư xây dựng đường sá và người tham gia giao thông liên tục phải “oằn mình” mỗi khi đi qua các tuyến đường này.

 

Nhiều tuyến quốc lộ hiện đang xuống cấp nhanh chóng.

 

QL3 qua hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, đặc biệt là trên tuyến Bờ Đậu - Cửa khẩu Tà Lùng, đang gia tăng đột biến lưu lượng xe quá khổ, quá tải lưu thông khiến cho rất nhiều đoạn đường vừa nâng cấp đã bị hư hỏng. Nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn, nguy cơ toàn tuyến sẽ sớm bị “cày” nát và hàng nghìn tỷ đồng đầu tư nâng cấp đổ xuống sông xuống biển. Theo thiết kế, đoạn tuyến này tương đương đường cấp 4 miền núi, chịu tải trọng trục xe 12 tấn và chỉ cho phép mỗi ngày khoảng 20 xe lưu thông. Nhưng hiện có ngày, có cả trăm lượt xe container siêu trường, siêu trọng ùn ùn qua lại.


Ban Quản lý dự án 6, đại diện chủ đầu tư Dự án nâng cấp QL3 đã có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT và Tổng Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị các cơ quan này xử lý tình trạng xe quá tải, quá khổ gia tăng, ngày đêm “cày xới” tuyến QL huyết mạch này, nhất là tại các vị trí đèo dốc. Mặc dù, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban đã bố trí cắm các biển hạn chế xe siêu trường, siêu trọng lưu thông trên tuyến, nhưng số lượng xe này hàng ngày vẫn “nườm nượp”, vượt quá so với quy mô và tải trọng thiết kế của Dự án nâng cấp, cải tạo QL3 đoạn Bờ Đậu - Tà Lùng. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng mặt đường bị hư hỏng, bong bật.


Đến nay, một số đoạn có cấu tạo địa chất nền phức tạp đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, như đoạn từ km232+00 - km267+00, đoạn km270+00 - km273+00 tuyến tránh thị xã Cao Bằng. Hơn 1 km QL3 qua xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) bị ô tô quá tải cày nát mặt đường. Nhiều đoạn đường xuất hiện ngày càng nhiều hố rộng, khi mưa xuống, nước đọng thành ao trên đường. Các phương tiện qua lại trên tuyến mỗi lần đi qua phải nối đuôi nhau bò “ì ạch”. Người dân của xã Bằng Vân sống hai bên đường đang rất khổ sở vì đoạn đường cứ nắng lên là bụi mù mịt, còn mưa xuống thì lầy lội…


Các tuyến, QL1 đoạn Đồng Văn - Phủ Lý; QL38 đoạn Đồng Văn - Yên Lệnh - Chợ Dầu; QL21, đoạn Ba Sao - cầu Họ; QL1, đoạn Phủ Lý - Đoan Vỹ; QL21B, đoạn chợ Dầu - Ba Đa thuộc tỉnh Hà Nam được nâng cấp, hoàn thành, đưa vào sử dụng trước năm 2010. Tuy nhiên, đến nay nền, mặt đường tại những vị trí trên đã bị lún võng, tạo thành nhiều ổ voi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông của các phương tiện. Hầu hết các phương tiện quá khổ, quá tải “cày xới” các đoạn tuyến QL này đều cơi nới thành xe cao hơn trung bình từ 20 - 30 cm. Bình quân, một xe tải 25 tấn, sau khi cơi nới tổng trọng lượng tăng tới 43 - 50 tấn.


QL5 qua 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, theo thống kê của CSGT các địa phương, hiện trung bình có khoảng 1.000 xe quá tải/ngày lưu thông, chiếm tỷ lệ 20%-30% số xe chạy trên tuyến. Giới hạn tải trọng cầu, đường trên QL5 là 30 tấn, nhưng đa số xe đầu kéo chuyên dụng, xe container chạy trên tuyến thường xuyên chở từ 36 - 45 tấn, thậm chí có nhiều xe tổng trọng tải lên đến 80 tấn, vượt tải trọng cho phép từ 50 - 200%.


Theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng trên, một phần là do công tác quản lý tải trọng xe bị bỏ ngỏ, phần khác là do chế tài xử phạt… chưa đủ sức răn đe.


Thực tế, các xe siêu trường, siêu trọng và phần lớn các xe tải khác đang lưu hành ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Thế nhưng thời gian qua, hàng rào kỹ thuật kiểm soát tổng trọng lượng của xe nhập khẩu chưa đầy đủ và thiếu chặt chẽ. Đặc biệt, hiện chưa có quy định cụ thể về kích thước thùng xe, giới hạn thùng chở hàng của các loại xe tải tự đổ, xe rơ moóc, xe container, xe xitec…


Bên cạnh đó, cơ quan đăng kiểm địa phương mới chỉ kiểm soát được đầu vào chứ chưa kiểm soát được hiện trạng của xe trong suốt thời gian vận hành. Có một thực tế là sau khi kiểm định xong, chủ phương tiện thường thay thùng, lốp, nhíp chế, với mục đích vận chuyển khối lượng hàng hóa nhiều hơn thiết kế ban đầu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và khiến cho cầu, đường chóng bị hư hỏng. Trong khi đó, các cơ quan đăng kiểm chưa có đủ lực lượng để kiểm tra đột suất giữa kỳ kiểm định.


Nhiều ý kiến cho rằng, các chế tài xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải chưa đủ sức răn đe. Nghị định 71/CP/2012 của Chính phủ mới chỉ quy định xử phạt đối với người điều khiển xe vi phạm, chứ chưa xử phạt các đối tượng liên quan đến việc xếp hàng hóa vượt tải trọng cầu đường. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tải trọng nhiều lần, hành vi vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình cầu, đường. Tại nhiều quốc gia xe quá khổ, quá tải khi bị xử phạt không chỉ phải hạ tải phần hàng quá tải, mà lái xe, chủ hàng hoặc chủ doanh nghiệp còn bị phạt một khoản tiền rất lớn.


Chưa hết, đại diện Cục CSGT đường bộ, đường sắt và Thanh tra Bộ GTVT cho biết, hiện tại hoạt động kiểm tra của CSGT, thanh tra gia thông trên QL đối với các xe vượt tải đang gặp quá nhiều khó khăn. Theo đó, lực lượng kiểm tra mỏng, trang thiết bị thiếu. Hơn nữa, các trạm kiểm tra, tổ tuần tra khi phát hiện vi phạm phần lớn chỉ xử lý phạt hành chính chứ không đủ điều kiện cơ sở vật chất để cưỡng chế hạ tải. Cụ thể là hiện chưa có bãi giữ xe vi phạm, thiết bị hạ tải cũng không có, nếu giữ xe trên đường dễ gây ùn tắc giao thông nên sau khi bị xử phạt, lượng xe vi phạm lại tiếp tục lưu hành. Đây cũng là lý do để hiện tượng vi phạm vượt tải ngày càng tăng.

 


Bài và ảnh: Tiến Hiếu


Xe quá tải tàn phá cầu đường- Bài 1: Quản lý thả nổi
Xe quá tải tàn phá cầu đường- Bài 1: Quản lý thả nổi

Tình trạng chở quá tải diễn ra nghiêm trọng trên tất cả các tuyến đường, cả về mức độ và số lượng: Trên QL3 có tới 28% xe chở quá tải, thậm chí có thời điểm lên tới 90%; QL5 quá tải từ 30 - 200%...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN