Trung Quốc được xem như là “chợ” tiêu thụ nông sản lớn trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự. Điều này đòi hỏi nông sản Việt không chỉ có chất lượng mà còn phải có thương hiệu để có thể tiến quân bền vững vào thị trường này.
Chọn cách xuất khẩu theo đường tàu biển nên dù thời gian qua việc xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu biên giới có gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều. Năm 2022, doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường Trung Quốc và đạt mức tăng trưởng 130% so với năm 2021, ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Thành đánh giá, Trung Quốc là thị trường có tiềm năng rất lớn. Để có thể xuất khẩu sản phẩm rau quả một cách thuận lợi, việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới bạn hàng là rất quan trọng. Cách làm của DOVECO là vẫn tích cực tham gia các hội chợ tại nước bạn. Đó là con đường nhanh nhất để người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận sản phẩm nông sản Việt.
Từ khi Trung Quốc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, các hoạt động xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu đã dần được khôi phục. Mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu nông, lâm, thủy sản được hơn 53 tỷ USD; trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. Nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc là trên 260 tỷ USD, thì Việt Nam mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%.
Để duy trì, đẩy mạnh hoạt động giao thương sang Trung Quốc, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, doanh nghiệp phải thực hiện tốt ba vấn đề. Đó là, thực hiện nghiêm chỉnh Lệnh 248 quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài, Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu; trong đó có hoàn thiện hồ sơ trước ngày 30/6/2023. Doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP. Cùng với đó là đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.
Bắt kịp và thích ứng với thị trường Trung Quốc sẽ giúp nông sản, thủy sản Việt tìm được chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc. Lệnh 248 và Lệnh 249 được coi là kim chỉ nam trong hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc. Hai lệnh tạo thành hệ thống bảo vệ cho người tiêu dùng, bảo vệ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Từ các khâu truy xuất mã vùng trồng, vùng nuôi, đóng gói, vận chuyển... đều phải được quản lý chặt chẽ. Việc minh bạch thông tin sản xuất, quản lý tốt về mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói sẽ thúc đẩy xúc tiến thương mại sang Trung Quốc.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh, người sản xuất cần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn từ sản xuất, thu hái, sơ chế, chế biến cũng như xuyên suốt quá trình đóng gói, vận chuyển, phân phối. Đây là yếu tố tiên quyết để mở cửa, phát triển thị trường tại nước xuất khẩu.
Để việc giao thương sang Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng, ông Huỳnh Tấn Đạt đề nghị doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thường xuyên tổ chức theo dõi và bám sát các quy định mới của Trung Quốc để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Thành kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia những chương trình quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản Việt, nhất là tại các thị trường tiềm năng.
Hiện có 16 mặt hàng thực vật đang xuất khẩu sang Trung Quốc là chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo. Trong số đó, có 7 sản phẩm đã có nghị định thư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc đàm phán để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cơ hội mở rộng giao thương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông sản, thủy sản từ những các tuyên bố cấp cao của Tổng Bí thư hay Thủ tướng. Khi làm tốt trong giao thương cũng góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống như kỳ vọng của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, doanh nghiệp hãy từ bỏ tư duy buôn chuyến. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp trình Chính phủ về một chiến lược lâu dài trong hợp tác thương mại song phương với Trung Quốc để hai bên có thể tận dụng mọi cơ hội của nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình giao thương.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, chừng nào chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu cho các thương nhân, doanh nhân thì rất khó để xây dựng được thương hiệu cho từng mặt hàng nông sản. Mỗi doanh nghiệp tự nâng tầm của mình, tự hào hơn, trách nhiệm hơn trong mỗi hành trình hợp tác.