Xây dựng nông thôn mới: Xóa dần khoảng giàu nghèo giữa cách các vùng miền

Khó khăn nhất là sự chênh lệch của các vùng miền trong xây dựng nông thôn mới. Khoảng cách về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền vẫn còn khá lớn.

Trong khi, khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có gần 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì các khu vực khác như: Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long,  Nam Trung Bộ… chỉ đạt từ 20 – 30%. Thậm chí, khu vực miền núi phía Bắc chỉ có 12,41% xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Về vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ủy viên thường trực ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam.

Xin ông cho biết, sau 2 năm triển khai xây dựng Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2 (2016 - 2020) đã thu được những kết quả gì?

Về cơ bản, các cơ chế chính sách cho giai đoạn 2 đã hoàn chỉnh, làm cơ sở pháp lý để triển khai giai đoạn này. Bên cạnh đó, trên cơ sở các kết quả đạt được của giai đoạn 1, các địa phương đã chủ động phát động phong trào mạnh mẽ hơn và đi vào thực chất của chương trình là nâng cao đời sống của nhân dân. 

Tính hết tháng 11/2017, cả nước đã có 2.884 xã (32,30%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, đã có khoảng 326 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 542 xã (5,87%) so với cuối năm 2016; Bình quân đạt 13,69 tiêu chí/xã. Còn 176 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 81 xã so với cuối năm 2016.

Đến hết 15/12/2017, cả nước có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016 (vượt mục tiêu phấn đấu năm 2017 có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới).

Trong giai đoạn 2, chúng tôi đã trao sự chủ động hơn cho các địa phương, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Trong thời gian qua, các địa phương đã tạo ra gần 4.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng.

Hiện đã dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, như: Nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, theo chuỗi liên kết (Hà Nam, Lâm Đồng); ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, hiệu quả cao (Đồng Nai, Tây Ninh, Lâm Đồng,...); mô hình nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái (Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh; huyện Hoa Lư, Ninh Bình; huyện Phong Điền, Tp. Cần Thơ...).

Mô hình liên kết trồng cây dược liệu (huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định; huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), mô hình làng hoa, làng nghề gắn với du lịch Homestay của tỉnh Hà Giang, Đồng Tháp; mô hình cây vụ đông có giá trị cao đạt 300-400 triệu đồng/ha (huyện Kinh Môn, Hải Dương)...

Trong năm 2017, còn có 1.200 hợp tác xã được thành lập. Đây là kết quả rất rõ nét, cho thấy chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã phát huy kết quả ở nhiều địa phương.

Con đường khang trang, sạch đẹp góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn mới Tân Trụ (Long An). Ảnh: Trường Giang/TTXVN

Vậy khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 là gì, thưa Thứ trưởng?


Khó khăn nhất là sự chênh lệch của các vùng miền trong xây dựng nông thôn mới. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn, cụ thể: Đồng bằng sông Hồng (1.101 xã - 58,28%), Đông Nam Bộ (272 xã - 59,91%) thì Miền núi phía Bắc (283 xã - 12,41%), Tây Nguyên (119 xã - 19,83%), Đồng bằng sông Cửu Long (333 xã - 25,85%), Nam Trung Bộ (236 xã - 28,57%), Bắc Trung Bộ (509 xã - 32,01%).

Sự chênh lệnh thể hiện rất rõ, cho thấy sự khó khăn của các vùng miền trong xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đã thấy rõ được vấn đề này và sẽ chỉ đạo hành động trong những năm tới.

Ngoài ra, nhiều nơi còn gặp khó khăn do tác động của thiên tai  (bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...), sản xuất nông nghiệp mặc dù đã chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường.

Nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã nên đến khi thu hoạch vẫn còn lúng túng tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bị tư thương ép giá...

Trong năm 2018 và những năm tới, Bộ NN&PTNT sẽ có những định hướng cụ thể gì trong xây dựng nông thôn mới, thưa ông?

Trên cơ sở rút ra những bài học kinh nghiệm của giai đoạn 1 và xác định được những nhiệm vụ trong tâm của giai đoạn 2 (2016 - 2020), Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương về những giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Cụ thể, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ đề án mỗi xã một sản phẩm để phát huy lợi thế của các vùng miền nông thôn trên cả nước, tạo ra những sản phẩm riêng biệt để phát triển kinh tế nông thôn.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” từ bước đầu thành công tại tỉnh Quảng Ninh, hiện đang lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố và được xác định là một trọng tâm trong chỉ đạo phát triển kinh tế nông thôn.

Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương hoàn thiện Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 (Chương trình quốc gia OCOP), làm cơ sở hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chương trình này cũng là chương trình khởi nghiệp sáng tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, trang trại ở nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển; tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề ở nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!
  

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực trạng 4.823 sản phẩm đặc sản cấp xã, huyện có lợi thế. Trong đó có 1.086 sản phẩm (tương đương 22,52%) có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng; có 695 (14,4%) sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây là tiềm năng và dư địa rất lớn để có thể triển khai thành công Chương trình quốc gia OCOP trong thời gian tới, góp phần tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn truyền thống văn hoá của từng vùng miền.


H.V/Báo Tin tức ((Thực hiện))
Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Chiều 28/12, tọa đàm Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN