Huy động trên 1,7 triệu tỷ đồng xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 - 2023
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, cả nước huy động được khoảng 602.603 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình.
Năm 2022, theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến tháng 12/2022, cả nước huy động được khoảng 744.723 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình (tăng 24% so với năm 2021).
Năm 2023, theo số liệu báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6/2023, cả nước huy động được khoảng 404.618 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình.
Như vậy, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 (tính đến thời điểm báo cáo) khoảng 1,752 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trực trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4,0%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.
“Đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cao nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho hay.
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp trung ương chậm được ban hành, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách Trung ương.
Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện năm 2022) và giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm. Nhiều địa phương chưa thực hiện việc giải ngân ngay sau khi hoàn thành công tác giao kế hoạch vốn.
Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu cả nước có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do UBND cấp tỉnh quy định.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình; sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo các mức độ phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các địa phương và đặc thù của vùng, miền.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình. Quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao bảo đảm hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo Kế hoạch được giao của năm 2022 và 2023. Tăng cường các hoạt động vận động các nhà tài trợ quốc tế, các Tổ chức phi chính phủ (NGOs) hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các nội dung liên quan đến những vấn đề cấp thiết của Chương trình.
Các sản phẩm OCOP cần mang lại giá trị kinh tế
Đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cũng cho hay: Cả nước đã đánh giá, phân hạng được 9.852 sản phẩm Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”( sản phẩm OCOP) đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận). Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà đây là chương trình đa mục tiêu nhằm mục tiêu xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Trong đó, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" cũng là để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thực chất. Do đó, Chương trình OCOP cần có được những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế. Sản phẩm OCOP không chỉ cần phải bảo đảm chất lượng mà đồng thời còn kèm theo những câu chuyện, những giá trị mang bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Đây chính là những yếu tố để sản phẩm OCOP thu được giá trị gia tăng có sức lan tỏa, thu hút người tiêu dùng trên thị trường.
Đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020). Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.
Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 90 đơn vị so với cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).
Hiện có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.