Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, việc xây dựng sản phẩm chủ lực địa phương phải được gắn với chuỗi giá trị như sản phẩm có chất lượng đủ điều kiện tiêu thụ trên thị trường. Hơn nữa, mục tiêu của chương trình phải đưa được các sản phẩm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, mặc dù năm 2018 là năm đầu đầu triển khai xây dựng chuỗi, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã có những kết quả nhất định; trong đó quan trọng nhất là đã khẳng định được việc triển khai chuỗi là đúng để hỗ trợ các hợp tác xã phát triển.
Cùng đó, các chuỗi đã tạo được sức lan tỏa trong xã hội và sự gắn kết giữa hệ thống Liên minh hợp tác xã ở Trung ương và địa phương cũng như với các hợp tác xã trên mọi hoạt động.
Mới đây, Thường trực ban hành Quyết định số 37/QĐ- LMHTXVN về ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác, Quy chế Hỗ trợ hợp tác xã và xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị về phát triển chuỗi để phù hợp hơn với tình hình hiện nay.
Về cơ bản, Quyết định 37 đã chia địa bàn triển khai xây dựng chuỗi thành 3 vùng, mỗi vùng được một Phó Chủ tịch Liên minh phụ trách. Cụ thể, miền Bắc có 25 tỉnh do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh phụ trách, miền Trung có 19 tỉnh do Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị phụ trách, miền Nam có 19 tỉnh do Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường phụ trách.
Quyết định cũng giao nhiệm vụ rõ ràng cho các Ban, đơn vị của Liên minh như Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư, Trường đào tạo nghề, Trường đào tạo cán bộ cùng Ban chính sách phát triển….
Các ban, đơn vị trực thuộc phải phối hợp với nhau, tạo nên quy trình khép kín hộ trợ hợp tác xã xây dựng chuỗi, từ công tác khảo sát, thẩm định đến bồi dưỡng cán bộ cho hợp tác xã cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài ra, Liên minh Trung ương cũng sẽ thành lập các tổ kiểm tra, giám sát để giám sát các tổ công tác, báo cáo với Thường trực về những khó khăn vường mắc khi triển khai xây dựng chuỗi.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, theo quyết định của Ban thường trực, xây dựng chuỗi sẽ đề cao vai trò của địa phương. Cụ thể, địa phương sẽ đề xuất sản phẩm chủ lực, các hợp tác xã gắn với sản phẩm và doanh nghiệp liên kết. Sau đó, Liên minh Trung ương mới quyết định sẽ xây dựng chuỗi nào.
Vì thế, mỗi tỉnh phấn đấu sẽ xây dựng thành công một mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, chú trọng vào sinh kế cho người dân theo chương trình 30a, 135…Dự kiến, mỗi chuỗi sẽ được Liên minh hỗ trợ 500 triệu đồng, bao gồm kinh phí đầu tư vào các tài sản không chia, chi phí đào tạo, chi phí tập huấn, chi phí tham quan học hỏi…
Sau khi chuỗi hình thành và hoạt động sẽ gắn bảng tên lên các cơ sở vật chất của hợp tác xã được Liên minh hỗ trợ để lan tỏa hiệu quả và nâng cao vị thế của Liên minh.
Đại diện tổ công tác số 1, ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện kinh tế hợp tác Việt Nam cho hay, ngay sau khi có Quyết định 37, tổ công tác gửi công văn tới tỉnh thành phố yêu cầu phối hợp và dự kiến 16/3 tới các tỉnh sẽ gửi công văn về để tổng hợp trình Thủ tướng phê duyệt.
Hiện tại, tổ công tác số 1 đã họp và phân công phụ trách các tỉnh như lựa chọn hợp tác xã, xét duyệt hồ sơ và lựa chọn ra được 25 chuỗi.
Theo đó, tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá tiềm năng của sản phẩm chủ lực và nhu cầu của thị trường để phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố, hợp tác xã được lựa chọn để tổ chức khảo sát.
Ngoài ra, bên cạnh việc hỗ trợ nâng cao tay nghề cho các thành viên hợp tác xã, với các mô hình hợp tác xã được phê duyệt, tổ công tác có nhiệm vụ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để chỉ định thẩu, mời thầu các đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị cũng như hỗ trợ vật tư thiết yếu…
Sau khi hoàn thiện hồ sơ theo quy định, đơn vị chủ trì ký kết hợp đồng ba bên gồm đơn vị chủ trì, đơn vị cung cấp và hợp tác xã thụ hưởng. Đặc biệt, hồ sơ, chứng từ thành toán, quyết toán kinh phí dự án được thực hiện theo quy định Nhà nước và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.