Theo đó, trong khi bối cảnh, tình hình thời gian tới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Bộ trưởng yêu cầu tất cả các đơn vị thuộc bộ nêu cao hơn nữa tinh thần quyết tâm cải cách, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược, tư duy phát triển mới thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
Các đơn vị lấy cải cách thể chế làm khâu đột phá, động lực cho phát triển; tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định mới ban hành; chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi các quy định còn vướng mắc, bất cập và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; trong đó, tổng kết việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương, công trình giao thông đường bộ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án tại một số địa phương…, để tham mưu mở rộng các chính sách đã phát huy hiệu quả; bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, sửa đổi quy định về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, xây dựng Luật về khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng đẩy mạnh, phân cấp, phân quyền, phát huy tối đa nguồn lực, sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tập trung tham mưu, đề xuất xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, phát huy hiệu quả của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động thông qua xúc tiến đầu tư tại chỗ; nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Mặt khác, bộ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tạo điều kiện, môi trường để thu hút đầu tư tư nhân, vốn FDI. Tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy cách tiếp cận mới theo Luật Quy hoạch để tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã ban hành, đưa quy hoạch và cuộc sống.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng triển khai quy hoạch; tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó xác định rõ các nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch, bảo đảm tính linh hoạt, bám sát thực tế và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Một trong những nhiệm vụ cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung triển khai là thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đó là, tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để triển khai các Quy hoạch vùng, thúc đẩy liên kết vùng, giải quyết các vấn đề có tính liên vùng để tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác, khách quan, đầy đủ và chất lượng công tác tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, một trong những nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị số 01/CT-BKHĐT là phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả các trung tâm ở vùng, địa phương, nhằm thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của Quỹ hỗ trợ đầu tư, Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Cũng theo Chỉ thị, có 43 đề án, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung thực hiện. Theo đó, Bộ trưởng giao Thủ trưởng các đơn vị thuộc bộ chỉ đạo đơn vị tập trung hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các đề án, nhiệm vụ được giao; chỉ đạo đơn vị rà soát và cập nhật tình hình thực hiện các nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ còn nợ đọng, các nhiệm vụ chưa cập nhật trạng thái trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc…