Đây đã không còn là câu chuyện định hướng tương lai mà ngay trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may đã ý thức, chuyển mình để thực hiện yêu cầu này.
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, vẫn còn nhiều rào cản thúc đẩy quá trình “xanh hóa”.
Thưa ông, ngoài vấn đề về lợi nhuận, người lao động, thì môi trường sản xuất cũng được xem là yếu tố trụ cột giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh yêu cầu “xanh hóa” từ các nước châu Âu. Ông có thể cho biết thêm về mục tiêu này của ngành dệt may?
Lợi nhuận và người lao động là mục tiêu quan trọng của tất cả các doanh nghiệp. Với vấn đề này, doanh nghiệp phải chủ động nguồn nguyên phụ liệu, phát triển thương hiệu, quản lý rủi ro, giảm chi phí, tăng trưởng kinh doanh và có lãi.
Riêng với vấn đề môi trường, đây là xu thế không thể đảo ngược nên các doanh nghiệp cần tập trung giảm phát thải; xử lý, tái sử dụng nước; sử dụng năng lượng tái tạo; tái chế, tái sử dụng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chương trình phát triển bền vững của Hiệp hội chú trọng 3 vấn đề chính, bao gồm: thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp dệt may để chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu; phát triển khâu thiết kế thời trang, phát triển thương hiệu; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực dệt may.
Từ năm 2017, VITAS đã thành lập Ủy ban Phát triển bền vững đồng thời triển khai rất nhiều hoạt động và đã có tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong ngành. Trong dự thảo Chương trình phát triển bền vững mới đây, VITAS đưa vào 2 nhiệm vụ cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình xanh hóa của các doanh nghiệp gồm: Nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo và hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh, xử lý nước thải, hóa chất, năng lượng tái tạo…
Có thể thấy từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp trong ngành đã chủ động để “xanh hóa” sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh. Xin ông cho biết đôi nét về quá trình này?
Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã định hướng phát triển bền vững từ nhiều năm trước.
Đã có khoảng 50% doanh nghiệp dệt may thực hiện “xanh hóa sản xuất”. Nhờ vậy, trong bối cảnh thị trường khó khăn như vừa qua, doanh nghiệp mới có thể có đơn hàng sản xuất.
Có thể kể như Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã tạo ra những sản phẩm mới có tính năng đặc thù, thân thiện với môi trường; Nhà máy Dệt Bảo Minh được đầu tư nhiều thiết bị công nghệ cao… Cùng đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi sang hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, không chỉ ứng dụng công nghệ trong sản xuất mà còn trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, như Tổng công ty May 10, Công ty M2, các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam,...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cũng như khó khăn đối với việc đẩy nhanh quá trình xanh hóa hiện nay.
Ông có thể chỉ rõ hơn những điểm nghẽn khiến các doanh nghiệp dệt may còn chưa đẩy nhanh được chuyển đổi xanh hiện nay?
Có ba vấn đề được cho là khó khăn và rào cản. Thứ nhất, không phải doanh nghiệp nào cũng có nhận thức đúng về vấn đề này để chuẩn bị tốt nhất cho vấn đề xanh hóa.
Thứ hai là vấn đề về tài chính, bởi liên quan đến xanh hóa thì nhu cầu về vốn rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực về tài chính để thực hiện vấn đề này, nhất là 80% doanh nghiệp dệt may là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không chỉ vậy, khi đầu tư cho xanh hóa, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể. Theo tính toán, chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh giá đầu vào cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống, hay sử dụng nồi hơi điện chi phí sản xuất tăng lên 15-18%. Đây cũng là lực cản đáng kể cho doanh nghiệp dệt may bước tiếp trên con đường xanh hóa.
Thứ ba, đó là nguồn lực về con người, bởi vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng xanh hóa cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư rất quan trọng và cần thiết nhưng các doanh nghiệp vẫn còn yếu.
Như vậy, nếu chỉ dựa vào bản thân doanh nghiệp mà thiếu đi sự hỗ trợ từ nhà nước thì sẽ rất khó “xanh hóa”; trong đó, có việc định hướng quy hoạch các khu công nghiệp xanh, có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay dệt may có tỷ lệ lấp đầy còn thấp, ở một số khu công nghiệp như Rạng Đông, Phong Điền… do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về xử lý nước thải.
Để xanh hóa, nhiều ý kiến cho rằng sẽ phải chuyển đổi công nghệ trong sản xuất, sạch hơn. Vậy xin ông cho biết các doanh nghiệp trong ngành gặp phải khó khăn gì và ông có đề xuất kiến ra sao để gỡ khó?
Chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ là yêu cầu tất yếu của ngành dệt may. Tuy nhiên rào cản lớn nhất doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư vào ứng dụng công nghệ và các thiết bị tự động hóa còn cao. Ngoài ra, trình độ lao động thấp khiến quá trình vận hành máy móc, áp dụng công nghệ chưa đạt được kỳ vọng.
Ở phía doanh nghiệp, có 5 điểm then chốt cần phải thực hiện để đẩy nhanh quá trình này. Đầu tiên, doanh nghiệp phải thích ứng với việc sử dụng sợi tái chế trong sản xuất, điều này là bắt buộc. Tiếp đó, phát triển bền vững và xanh hóa đồng nghĩa doanh nghiệp phải đầu tư hạ tầng của các nhà máy đạt chuẩn theo yêu cầu, đánh giá của các khách hàng, tiêu chuẩn trong nước và cam kết của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Ngoài ra, sử dụng sản phẩm thiên nhiên như năng lượng mặt trời, đầu tư cho điện áp mái. Tuân thủ những đòi hỏi của nhãn hàng, trong đó có việc không sử dụng nồi hơi đốt bằng than, dầu. Cuối cùng là tạo tính liên kết chuỗi, bắt tay để đạt các chuẩn mực, yêu cầu của nhãn hàng toàn cầu
Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là Chính phủ phải đồng hành với doanh nghiệp để xây dựng chiến lược phát triển xanh hóa, năng lượng tái tạo, năng lượng nguồn nước...
Với vị thế là lĩnh vực xuất khẩu chủ lực nên cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp dệt may, từ lãi suất cho vay đến cơ chế tiếp cận vốn vay. Đặc biệt Chính Phủ cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ sạch; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới.
Chính phủ cũng có thể xây dựng quỹ tài nguyên môi trường cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%, hoặc 1-2%/năm để đầu tư cho xanh hóa. Chính sách này triển khai càng nhanh càng tốt bởi luật chơi toàn cầu không chờ đợi bất cứ ai.
Xin cảm ơn ông!