Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải về những khó khăn, thách thức cũng như giải pháp của Bộ Công Thương về tái cơ cấu trong sản xuất công nghiệp để lĩnh vực này tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển ngày càng bền vững khi dịch được kiểm soát.
Xin Thứ trưởng cho biết, dịch COVID-19 bùng phát lần 2 tại Việt Nam đã tác động thế nào tới hoạt động sản xuất trong nước?
Bên cạnh tác động lớn nhất đến sức khỏe và tâm lý cộng đồng, dịch COVID-19 đã tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng rõ nét tới nhiều lĩnh vực sản xuất trong nước như: điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, da giày, ô tô… do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát trên thế giới đã gây nhiều khó khăn trong hoạt động ngoại thương, làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ đầu ra nên các đối tác đã và sẽ còn giãn, hoãn, hủy các đơn hàng và chưa đàm phán đơn hàng tiếp theo, gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu và sản lượng.
Hơn nữa, giao thương, vận tải, thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là qua các cửa khẩu biên giới đất liền cũng gặp nhiều khó khăn; nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm, sản xuất bị giảm sút đã kéo theo việc tiêu thụ những hàng hóa là đầu vào của sản xuất cũng sụt giảm.
Bởi vậy, trong 8 tháng qua chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng các năm 2012-2020 lần lượt là: 6,3%; 5,4%; 6,5%; 9,8%; 7,2%; 8,2%; 10,8%; 9,5% và 2,2%.
Trong số đó, đang chú ý ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,7% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,6%), đóng góp 3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong phòng chống dịch vẫn tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa đã phần nào tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.
Lâu nay, thay vì chủ động sản xuất trong nước, Việt Nam vẫn luôn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Thứ trưởng có thể chia sẻ tại sao vấn đề này đến nay vẫn chưa được khắc phục?
Tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu duy trì ở mức cao, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ và khả năng khai thác nguyên phụ liệu, vật tư trong nước thấp, tính chất gia công xuất khẩu còn cao nên vẫn phải sử dụng nhiều nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Những ngành hàng phụ thuộc lớn nhất vào nguồn nguyên liệu sản xuất từ các quốc gia trên cũng là những ngành công nghiệp chủ lực hiện nay của Việt Nam gồm điện tử; dệt may; da - giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô...
Tuy nhiên, nhập siêu nguyên vật liệu từ thị trường châu Á lại giúp Việt Nam xuất siêu sản phẩm sang các khu vực thị trường khác, nhất là Hoa Kỳ và EU.
Thời gian qua, với những giải pháp quyết liệt từ Bộ Công Thương, nguồn nguyên phụ liệu trong nước đã dần đáp ứng được nhiều hơn cho nhu cầu sản xuất, xuất khẩu.
Chẳng hạn như ngành dệt may đáp ứng được khoảng 50%; ngành lâm nghiệp cũng đẩy mạnh đáp ứng nguồn gỗ cho chế biến xuất khẩu. Riêng mặt hàng điện thoại di động, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Samsung để đẩy mạnh phát triển các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước.
Về trung và dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng với các bộ ngành, địa phương phối hợp tổ chức thực hiện các giải pháp và có tham mưu chính sách một cách đồng bộ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy nguồn cung nguyên liệu phụ liệu trong nước sản xuất.
Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp của Việt Nam ngoài những yếu kém về công nghệ, năng lực thì vẫn chưa liên kết chặt chẽ để phát triển. Thứ trưởng nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 700.000 doanh nghiệp hoạt động ở mọi lĩnh vực, ngành nghề nên vấn đề liên kết doanh nghiệp đang được các bộ ngành rất quan tâm. Tuy vậy, nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của liên kết vẫn còn hạn hẹp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm” hoặc “làm tất ăn cả”, chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của mình chứ không thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng.
Mặt khác, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá và phù hợp với cơ chế thị trường.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn.
Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có. Những hạn chế này là những lý do khiến các doanh nghiệp Việt yếu thế, không thể cạnh tranh với tập đoàn, công ty nước ngoài ngay chính trên sân nhà, chưa kể thị trường thế giới.
Cũng chính vì thiếu liên kết, hoạt động nhỏ lẻ mà các doanh nghiệp Việt Nam đã phải từ chối nhiều đơn đặt hàng của công ty nước ngoài bởi năng lực hạn hẹp, công nghệ yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu chất lượng và số lượng của đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa vẫn còn lỏng lẻo. Doanh nghiệp Việt chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp.
Số lượng doanh nghiệp nội địa cung ứng cho các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn hạn chế, nhất là trong các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, máy công nghiệp.
Xác định vai trò quan trọng của liên kết doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp rất chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia như Samsung, Toyota...tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng làm việc với các địa phương nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng cũng như hình thành các cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên thông; tạo không gian phát triển mới, chuỗi cung ứng mới.
Ngoài ra, Bộ cũng đã xây dựng và chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nhằm kết nối và tăng cường cơ hội hợp tác để từng bước đưa sản phẩm Việt vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đầu tư, lựa chọn công nghệ mới, mô hình kinh doanh nhằm tạo ra thị trường, cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm trung gian, dịch vụ phụ trợ, tạo liên kết chặt chẽ để hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững.
Để giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xin Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã có giải pháp gì trong ngắn hạn cũng như dài hạn?
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang tập trung thúc đẩy tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Bởi vậy, Bộ xác định trọng tâm là phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tính tự chủ về nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước phục vụ sản xuất công nghiệp, nhất là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam như Samsung, Toyota... tổ chức các chương trình tìm kiếm, kết nối giữa các doanh nghiệp đa quốc gia với các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề nghị hoàn thiện các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo cơ sở pháp lý vững chắc phát triển các ngành nguyên vật liệu cơ bản, sản xuất tự chủ linh phụ kiện trong nước, kết nối chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Đặc biệt, Bộ cũng đang đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với bối cảnh phát triển ngành trong thời kỳ hội nhập, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2020.
Mặt khác, Bộ sẽ thực hiện tái cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tốt và đa dạng hóa thị trường ngoài nước, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do để tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương cũng làm việc với từng Hiệp hội ngành hàng cụ thể để xác định rõ các mặt hàng có lợi thế nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy để xác lập vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.